Multimedia Đọc Báo in

Ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh: Nhiều nét mới trong phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi

10:40, 20/08/2013

Theo số liệu tổng hợp của ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh, tổng số học sinh giỏi (HSG) cấp quốc gia của tỉnh trong 3 năm gần đây đã được nâng cao dần; đặc biệt là năm học 2012 – 2013 đã có bước nhảy vọt (cụ thể: năm học 2010 – 2011 có 23 em, năm học 2011 – 2012 có 25 em và năm học 2012 – 2013 có 33 em, dẫn đầu 10 tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, xếp thứ 6 trong các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế trở vào).

Lễ tuyên dương và phát thưởng HSGQG và HSG Olyimpic 30-4 lần thứ 17 năm học 2010-2011 của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Ảnh: Thúy Hồng
Lễ tuyên dương và phát thưởng HSGQG và HSG Olyimpic 30-4 lần thứ 17 năm học 2010-2011 của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Ảnh: Thúy Hồng

So với các tỉnh trong vùng thi đua số 4 (bao gồm Dak Lak, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Dak Nông, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) thì số HSG khối 12 THPT năm học 2012 - 2013 của Dak Lak cao nhất. Trong số 33 HSG quốc gia khối 12 của năm học vừa qua, Trường Chuyên Nguyễn Du có 29 em. Chỉ tính 10 năm trở lại đây, Trường Chuyên Nguyễn Du đã có 5 học sinh được dự lớp bồi dưỡng thi Olympic quốc tế, 2 em đỗ thủ khoa trong kỳ thi vào đại học (gồm em Nguyễn Tử Mạnh Cường đỗ thủ khoa cả 2 khối thi đại học với 6 điểm 10, em Nguyễn Trọng Nghĩa đỗ thủ khoa với số điểm tuyệt đối 30/30). Bên cạnh đó học sinh của Trường Chuyên Nguyễn Du cũng đã giành được 375 Huy chương Olympic các tỉnh phía Nam, 321 Huy chương HSG Hóa học Australia. Một số trường THPT khác trong tỉnh như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tất Thành, Ngô Gia Tự… cũng đã có những đóng góp đáng kể cho đội ngũ HSG của tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo, sở dĩ có thành tích trên là nhờ từ nhiều năm trước và đặc biệt những năm gần đây ngành đã hết sức quan tâm đến việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng HSG; đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề về công tác này để rút ra các bài học kinh nghiệm, qua đó xây dựng chiến lược, giải pháp đúng đắn cho công tác phát hiện và bồi dưỡng HSG. Tiếp đến, ngành đã tổ chức được một bộ máy có vai trò, chức năng, nhiệm vụ cụ thể trong hoạt động bồi dưỡng HSG; có quy chế trong việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng HSG và thiết lập được cơ chế phối hợp hoạt động thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Ngành cũng đã xác định và giao trách nhiệm cụ thể cho Trường Chuyên Nguyễn Du phải chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện kế hoạch tập trung bồi dưỡng đội dự tuyển HSG cấp quốc gia của tỉnh; lấy lực lượng giáo viên và học sinh của trường làm nòng cốt; trường có trách nhiệm cung cấp tài liệu, cập nhật kiến thức cho giáo viên, học sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện cho các đợt bồi dưỡng HSG hằng năm của tỉnh. Các trường THPT khác trong tỉnh có trách nhiệm phát hiện, bồi dưỡng, tư vấn, định hướng cho học sinh tham gia bồi dưỡng HSG. Một vấn đề khác cũng được ngành luôn quan tâm là xây dựng các chính sách động viên khuyến khích công tác bồi dưỡng HSG. Tổ chức khen thưởng các học sinh đoạt giải trong các kỳ thi HSG trang trọng, có ý nghĩa (như ghi tên vào bảng vàng truyền thống…) cho cả giáo viên và học sinh.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ và các giải pháp nói trên, ngành đã tiến hành xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán, đặc biệt là các giáo viên trẻ có năng lực, tâm huyết, đam mê nghề nghiệp, ham nghiên cứu chuyên sâu ở các trường chuyên và các trường có chất lượng cao, phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng HSG. Bên cạnh đó ngành cũng đã tiến hành mời các chuyên gia đầu ngành, các thầy cô giáo có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm từ các trường đại học, viện nghiên cứu tham gia bồi dưỡng kiến thức và truyền lửa đam mê học tập nghiên cứu vươn lên tầm cao kiến thức cho cả giáo viên cốt cán và HSG của tỉnh…

Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.