Giáo dục nhân cách của trẻ từ gia đình
Người ta thường nói: “dạy trẻ từ thuở còn thơ” hay “con hư tại mẹ cháu hư tại bà” để nhấn mạnh vai trò của cha mẹ và định hướng cách dạy trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Theo truyền thống, người cha là trụ cột, là biểu hiện của nhân cách cao đẹp nhất để con cái học tập và noi theo. Còn người mẹ là chỗ dựa, là nhà tâm lý, là nguồn lửa sưởi ấm và thắp lên tình yêu thương vô tận cho các con.
Để trở thành một người có nhân cách tốt khi trưởng thành là không hề dễ dàng, như dân gian thường nói: “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Cho nên việc giáo dục con cái không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng những công việc cụ thể, mọi hành vi, bằng sự nêu gương trong lối sống của người lớn. Điều này có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Trẻ em sẽ không tôn trọng người lớn nếu như chúng thấy cha mẹ mình thể hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau.
Hiện nay, nhiều gia đình còn thiếu quan tâm đến việc giáo dục con cái. Khi sống trong các gia đình có bố mẹ hoặc thành viên khác có hành vi thiếu văn hóa, đạo đức, hay bất hòa, mắc tệ nạn,… thì những gương xấu này làm cho trẻ em dần dần bị tiêm nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội rồi vi phạm pháp luật. Ở một số gia đình, bố mẹ ly hôn sẽ dẫn đến việc con cái bị bỏ rơi, thiếu sự dạy dỗ và tình thương của cha mẹ, từ đó, trẻ sẽ có tâm lý lệch lạc, tự do, ngang bướng, bất cần. Có những gia đình, bố mẹ thiếu hiểu biết hoặc không kiềm chế được nên đã coi việc chửi mắng, đánh đập hoặc dọa đuổi trẻ ra khỏi nhà như là một cách dạy nghiêm khắc. Chính cách xử sự này của bố mẹ đã khiến trẻ bị khủng hoảng về tâm lý, tự ti, khó hòa nhập; trẻ trở lên hung hãn, lì lợm, xa lánh mọi người và căm ghét gia đình. Mặt khác, có gia đình cũng vì quá nuông chiều, đáp ứng mọi nhu cầu của con cái… mà trẻ cũng dễ sinh ra tính ỷ lại, dựa dẫm, sống ích kỷ, lười nhác, không có ý thức về trách nhiệm, chỉ quen được phục vụ và hưởng thụ.
Vì những lẽ đó, một gia đình có nền nếp, có những giá trị đạo đức đúng đắn sẽ tác động trực tiếp, thường xuyên và mạnh mẽ đến việc hình thành nhân cách của trẻ em. Cách uốn nắn trẻ có thể đơn giản như: dạy trẻ biết mời cơm mọi người trước khi ăn, đưa tăm cho ông, bà, cha, mẹ hoặc người lớn tuổi khác sau bữa ăn; dạy trẻ cách đi thưa về chào, biết kính trên nhường dưới hay trước khi đi học, cha mẹ nên dặn dò kỹ về cách ăn mặc chỉnh tề, gọn gàng; vào lớp học không được nói chuyện, tập trung nghe giảng,… thì nhất định các em sẽ trở thành những con ngoan, trò giỏi, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt sau này.
Cao Nguyên
Ý kiến bạn đọc