Multimedia Đọc Báo in

Mệt mỏi vì… học hè!

16:14, 29/07/2014
Nghỉ hè là niềm vui của học sinh nhưng lại là nỗi lo của không ít phụ huynh khi không có người trông coi, chăm sóc, ôn tập cho con. Chính vì vậy, nhiều gia đình ở TP. Buôn Ma Thuột đã sẵn sàng chi tiền triệu để gửi con tại các trung tâm, các lớp dạy hè trên địa bàn để giải quyết mối lo này...

Nhiều lớp dạy kỹ năng

Đã thành thông lệ, cứ vào dịp học sinh nghỉ hè là khu vực nội thành Buôn Ma Thuột lại “nóng” lên chuyện dạy và học thêm ở lứa tuổi từ mầm non đến THCS. Do nhu cầu ngày càng tăng cao, nên các trung tâm, lớp dạy hè đua nhau tung ra các khóa học, môn học hấp dẫn khác nhau. Năm nay, ngoài các lớp dạy thêm để bổ sung, ôn luyện kiến thức trong sách giáo khoa, thì cũng nở rộ các trung tâm dạy kỹ năng, năng khiếu như luyện chữ đẹp, mỹ thuật, nhạc, bơi, võ thuật… Chị Nguyễn Thị Thủy ở đường Phan Kiệm, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: Do công việc của hai vợ chồng chị bận rộn cả ngày, không có thời gian chăm sóc con nhỏ nên cậu con trai 4 tuổi của chị vẫn được gửi học bán trú ở trường mầm non tư thục. Ở đây, phụ huynh chỉ đóng khoản tiền là 1,8 triệu đồng/tháng/cháu nhưng các em được ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, lại được vui chơi với bạn bè cùng trang lứa. Buổi sáng chị gửi con ở trường rồi đến giờ tan tầm buổi chiều mới đón con về nhà.

Các lớp học bơi ngày hè rất đông các em tham gia
Các lớp học bơi ngày hè rất đông các em tham gia

Bên cạnh việc gửi con theo hình thức bán trú, nhiều gia đình cho con mình học ở các trung tâm dạy theo lịch như học kỳ chính thức ở trường là sáng đi trưa về - đầu giờ chiều đi và cuối buổi chiều về. Chị Lê Thị Hồng ở đường Nguyễn Viết Xuân, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, con trai chị mới học hết lớp 2, nghỉ hè chị cho cháu đi học luyện chữ đẹp vào buổi sáng, còn buổi chiều lại cho đi học bơi để vừa nâng cao sức khỏe vừa giải tỏa được cái nóng của mùa hè. Theo chị Hồng, hiện nay, các trường học có bể bơi hoặc các trung tâm dạy bơi trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thường có hai hình thức để các phụ huynh lựa chọn là học bơi có người kèm riêng hoặc học chung theo lớp đông. Mức giá phổ biến dao động từ 2-3 triệu đồng/tháng, nhưng hầu như ở điểm dạy bơi nào cũng quá tải, nếu không đăng ký sớm để sắp xếp lớp thì các em sẽ không được nhận. Còn con gái nhỏ của chị Hồng mới học mầm non, ngoài học bán trú tại trường thì chị còn cho cháu học nhạc với hình thức thuê gia sư về dạy tại nhà vào buổi tối (mỗi tuần 3 buổi) với giá 120.000 đồng/buổi. Tính ra mỗi tháng, gia đình chị phải bỏ ra trên 5 triệu đồng cho tiền học phí của 2 con…

Đừng bắt con trẻ phải “bội thực”

Sau một năm học tập căng thẳng, nghỉ hè là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn cần thiết để các em lấy lại sự cân bằng về sức khỏe, tâm lý, chuẩn bị bước vào “chặng đua” mới trong năm học tới. Mặc dù vậy, những ngày hè của nhiều học sinh ở khu vực thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay đã không được trọn vẹn khi các em đang phải đối mặt với áp lực học thêm. Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng học sinh phải vất vả bước vào một “học kỳ 3” ngay trong kỳ nghỉ hè của chính mình. Trước hết là do áp lực tạo ra từ sự kỳ vọng thái quá của các bậc phụ huynh. Tâm lý của nhiều bậc cha mẹ là muốn con mình phải luôn giỏi hơn bạn bè, phải có được kết quả cao trong các kỳ thi. Bên cạnh đó, việc thiếu những sân chơi lành mạnh, bổ ích mỗi dịp hè về cũng khiến nhiều phụ huynh cứ đến hè là lại lo con sa đà vào những trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh dễ dẫn đến nguy cơ hư hỏng. Cách tốt nhất theo họ là “gửi” con đến các lớp học thêm trong hè cho “an toàn”. Một nguyên nhân khác là do áp lực của sự cạnh tranh (mà phần lớn là phụ huynh tự tạo ra) để con được vào các trường điểm, chuẩn quốc gia, trường chuyên lớp chọn. Nhiều bậc làm cha mẹ thay vì cho trẻ được vui chơi, giải trí, đã tận dụng khoảng thời gian này để “nhồi nhét”, bắt trẻ học thêm, học trước, chuẩn bị kiến thức cho năm học mới… Cháu Trịnh Tường Vi, học sinh lớp 8E, Trường THCS Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột tâm sự: Mong muốn của các cháu là có kỳ nghỉ hè bổ ích, được tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí, tìm hiểu, khám phá về cuộc sống… chuẩn bị tâm lý thoải mái trước khi bước vào năm học mới. Thế nhưng nghỉ hè lại bị bố mẹ ép đi học thêm từ các môn năng khiếu đến các lớp ôn luyện kiến thức trong sách giáo khoa, không có thời gian rảnh để nghỉ ngơi, vui chơi cùng bạn bè nên các cháu luôn cảm thấy bị áp lực.

Một lớp học võ tại Nhà thi đấu Liên đoàn Lao động tỉnh.
Một lớp học võ tại Nhà thi đấu Liên đoàn Lao động tỉnh.

Hiện nay, nhiều học sinh không chỉ quá tải do áp lực từ việc học văn hóa, mà còn phải chịu sự áp đặt từ phía phụ huynh trong việc cho con theo học các môn năng khiếu trong dịp hè. Tuy nhiên, các môn năng khiếu này chỉ có thể phát huy hiệu quả khi bản thân người học có niềm đam mê, sự hứng thú và đặc biệt là phải thực sự có năng khiếu. Thế nhưng một số phụ huynh ngộ nhận về “tài năng” của con cái, ép buộc con em mình phải theo học những môn mà bản thân các em không hứng thú và không có năng khiếu. Sự áp đặt của các bậc phụ huynh trong trường hợp này không những không phát triển “tài năng” của trẻ mà còn có thể phản tác dụng khi gây ức chế cho các em. Bản thân các em nếu tham gia học cũng chỉ để đối phó, chủ yếu là để là “vui lòng” người lớn. Khi trẻ em không có thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn và tình trạng quá tải trước một lịch học thêm dày sẽ khiến cho các em không có điều kiện tốt để phát triển thể chất và tinh thần, dễ gây tâm lý chán học, sợ đến trường, nhất là đối với những học sinh có học lực trung bình hay yếu, kém. Nghiêm trọng hơn, áp lực từ việc học tập quá tải có thể gây ra những hệ lụy về mặt tâm lý như: lo âu, trầm cảm, suy nhược, rối nhiễu tâm lý…

Học thêm trong dịp hè là nhu cầu, nguyện vọng có thực của học sinh và không phải là không cần thiết. Nếu được tổ chức tốt, bố trí thời gian biểu hợp lý, học thêm trong hè là dịp để học sinh ôn tập, củng cố những kiến thức đã học trong năm học trước, tạo tâm thế tự tin để bước vào năm học mới. Đối với những học sinh có năng khiếu trên các lĩnh vực văn-thể-mỹ, việc tham gia các lớp học năng khiếu cũng giúp các em phát triển tố chất. Vấn đề là cần cân bằng hợp lý giữa khoảng thời gian học thêm và thời gian dành cho các hoạt động vui chơi. Dù  hiện nay, các trung tâm dành cho trẻ vào dịp hè rất nhiều nhưng để trẻ em có được một mùa hè vui vẻ, bổ ích thì trách nhiệm của những bậc làm cha mẹ vẫn phải đặt lên hàng đầu, đừng vì lý do bận công việc, bận kiếm tiền mà phó mặc con em mình cho các lớp học hè…

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.