Multimedia Đọc Báo in

Nữ sinh lên phố dự thi với lộ phí 250 nghìn đồng

14:59, 18/07/2014

Mẹ không có tiền cho H’Quế Bing (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lak) dự thi đại học, những tưởng ước mơ làm cô giáo của nữ sinh dân tộc M’nông sẽ phải dừng lại. Thế nhưng, bằng quyết tâm và khát khao cháy bỏng, em vét túi được số tiền 250 nghìn đồng dành dụm để kịp dự thi.

H’Quế Bing là chị cả trong gia đình có 4 chị em, mọi việc trong nhà đều một mình mẹ H’Quế Bing gồng gánh. Năm mẹ con chỉ biết trông chờ vào nương rẫy và gần như không năm nào đủ no cái bụng. Thương mẹ vất vả, từ khi còn học tiểu học, H’Quế Bing đã tranh thủ thời gian rảnh để phụ giúp mẹ công việc đồng áng. Lớn lên chút nữa, H’Quế Bing phải làm thuê đủ mọi việc, khi thì cuốc rẫy, làm nương, khi lại phụ quán nhậu, quán nước… để kiếm thêm tiền giúp mẹ mua bút mực cho các em được học hành. Bận rộn, khó khăn là vậy nhưng H’Quế Bing luôn nung nấu ước mơ được trở thành cô giáo.
H'Quế Bing (bìa trái) ôn bài trước khi thi.
H'Quế Bing (bìa trái) ôn bài trước khi thi.

Trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm nay, H’Quế Bing chỉ chọn dự thi ngành Giáo dục Tiểu học (Trường Đại học Tây Nguyên). Cô nữ sinh này chia sẻ: “Em rất thích hình ảnh cô giáo mặc áo dài đứng trên bục giảng, em yêu nghề giáo cũng từ đó… Ở quê em còn nhiều bạn ít học, thậm chí mù chữ nữa, một số bạn lấy chồng sớm nên cuộc sống khổ cực lắm. Em muốn sau này mình có thể mang con chữ về tại quê hương, giúp các bạn nhỏ có thể đọc viết thành thạo, có thêm nghị lực để theo đuổi con đường học tập”. Biết mẹ nghèo khó, sau khi thi tốt nghiệp THPT, H’Quế Bing xin làm thêm ở quán nhậu gần nhà để tự kiếm kinh phí lên phố thi cử. Quần quật làm thuê nhưng số tiền kiếm được chẳng được là bao, lại phải chia ra nhiều khoản để đưa mẹ đong gạo, đưa em mua bút mực, chỉ còn một phần nhỏ để nuôi ước mơ ngày bé. Thời tiết Dak Lak mùa này cứ đỏng đảnh, nắng mưa thất thường khiến quãng đường mà cô bé lần đầu tiên ra phố càng trở nên gập ghềnh, phải vượt gần 60 Km H’Quế Bing mới đến được địa điểm thi. Vậy nhưng khi đã quyết tâm, H’Quế Bing không quản ngại khó khăn… “Dẫu biết số tiền 250 nghìn đồng là khoản lộ phí quá khiêm tốn cho một kỳ thi nhưng em  vẫn muốn được thi, vẫn muốn được một ngày nào đó ngồi trên giảng đường…”- H’Quế Bing nghẹn lời.

May mắn đến với H’Quế Bing khi ngày làm thủ tục dự thi ở điểm thi Trường THPT Lê Duẩn thì gặp được các anh chị tình nguyện viên Trường Đại học Tây Nguyên, được họ tư vấn cho chỗ ở miễn phí. Biết hoàn cảnh của em, các tình nguyện viên luôn khích lệ tinh thần học tập giúp em thêm vững bước. H’Quế Bing vui mừng: “Vừa lên làm thủ tục dự thi, em đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị tình nguyện viên, nên có chỗ ở miễn phí gần địa điểm thi, lại được ăn cơm miễn phí. Từ bé tới giờ em chưa gặp được cùng lúc nhiều người tốt như vậy. Các anh chị lúc nào cũng yêu đời, luôn tươi cười trên môi khiến em có thêm động lực để vượt qua những khó khăn”… Chưa biết kết quả của kỳ thi sẽ như thế nào nhưng H’Quế Bing đã chuẩn bị tinh thần: “Em sẽ tiếp tục theo đuổi ước mơ làm giáo viên ở một trường cao đẳng hoặc trung cấp nào đó nếu như không đỗ đại học”.

Anh Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.