Nan giải chất lượng giáo dục ở vùng dân di cư tự do
Lớp 1B điểm Trường Ea Lang (Tiểu học Cư Pui 2) phải nhờ người dịch ra tiếng mẹ đẻ để học sinh hiểu bài. |
Một trong những nguyên nhân quan trọng là chất lượng đầu vào của học sinh rất thấp, vốn tiếng Việt hạn chế và nhiều em bị hổng kiến thức trầm trọng. Như ở Trường THCS Cư Drăm, năm học này có 145 học sinh lớp 6 tuyển mới trong đó có 92 học sinh là người Mông, kết quả khảo sát chất lượng đầu năm chỉ có hơn 40% học sinh đạt điểm trung bình trở lên. Ở bậc Tiểu học có 2.459 học sinh người Mông tập trung ở các Trường Tiểu học Cư Pui 2, Tiểu học Cẩm Phong và Tiểu học Yang Hăn. Đây đều là các trường có chất lượng giáo dục khá thấp, tỷ lệ học sinh lưu ban cao. Cô Trần Thị Xuyên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2 cho biết: “Trường Tiểu học Cư Pui 2 có 1.497 học sinh người Mông. Cuối năm học 2013-2014, toàn trường có đến 245 học sinh phải rèn luyện trong hè và trong số này chỉ có 1/3 các em thi lại đủ điều kiện lên lớp. Qua kết quả chất lượng khảo sát đầu năm học 2014-2015 cho thấy, trường có những khối lớp chỉ khoảng trên 60% học sinh đạt điểm 5 trở lên, còn lại là điểm yếu và điểm kém”.
Khó khăn về cơ sở vật chất cũng là nguyên nhân ảnh hưởng rất nhiều đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Mặc dù đã được Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều phòng học, song số lượng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, ở các trường vùng dân di cư tự do vẫn còn nhiều phòng học tạm bợ, trong đó khó khăn nhất là các điểm trường Noh Prông (xã Hòa Phong), Ea Rớt (xã Cư Pui), Cư Dhắt (xã Cư Drăm). Thầy Nguyễn Ngọc Thế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Phong cho biết: “Điểm trường Noh Prông có 12 lớp, 318 học sinh, chủ yếu các em là dân tộc Mông, trong khi đó cả điểm trường chỉ có 6 phòng học bằng tranh tre đã xuống cấp trầm trọng. Vừa qua, UBND huyện Krông Bông cấp cho xã Hòa Phong 210 triệu đồng để sửa chữa và sau khi vào học được 2 tuần thì các phòng học mới được sửa xong”.
Sự yếu kém về chất lượng giáo dục đang đặt các địa phương nói trên trước nguy cơ bị “rớt” chuẩn phổ cập do tỷ lệ học sinh lưu ban hằng năm cao, nhất là những học sinh người DTTS di cư từ nơi khác đến. Phòng GD-ĐT Krông Bông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, như: kiểm tra việc tổ chức ôn tập, thi lại cho học sinh yếu trong hè; kiểm tra kế hoạch ôn tập, phụ đạo, đề kiểm tra, công tác bàn giao chất lượng, hồ sơ sổ sách… ở các trường có nhiều học sinh lưu ban; mở các chuyên đề bàn tìm giải pháp nâng cao chất lượng học sinh DTTS, giảm thiểu tình trạng học sinh lưu ban; chỉ đạo các trường tăng thời lượng môn tiếng Việt, phụ đạo học sinh yếu… Tuy nhiên, những biện pháp này đến nay dường như vẫn chưa đủ để “vực” chất lượng giáo dục ở những vùng đông dân di cư tự do…
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc