Dịch vụ xe ôtô đưa đón học sinh: Tiện ích, nhưng còn nhiều bất cập!
Thời gian gần đây, tại một số địa phương trong tỉnh xuất hiện ngày càng phổ biến dịch vụ xe ôtô đưa đón học sinh (HS) đến trường. Có thể nhận thấy được nhiều tiện ích từ dịch vụ này như giúp phụ huynh quản lý được giờ giấc, tiết kiệm thời gian đưa đón con em đi học, giảm thiểu phương tiện cá nhân tham gia giao thông… Tuy nhiên, vấn đề quản lý chất lượng, an toàn giao thông đối với loại hình dịch vụ này vẫn còn bỏ ngỏ…
Đáp ứng nhu cầu thực tế
Từ năm học 2013-2014, UBND xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) đã phối hợp với Hợp tác xã Vận tải Krông Bông triển khai thêm tuyến xe buýt đưa đón HS từ các thôn Yang Hanh, Nao Huh, Ea Hăn, Ea Luêh, Cư Drắt… đến trường ở khu vực trung tâm xã và thị trấn Krông Kmar an toàn, thuận tiện. Hầu hết các thôn này đều cách trung tâm xã từ 15-20 km và cách thị trấn Krông Kmar khoảng 40-50km, đường sá đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lầy lội nên nhiều khi các em phải nghỉ học. Từ khi triển khai tuyến xe buýt này, việc đi lại của HS không còn vất vả như trước mà vẫn có điều kiện học xong buổi sáng thì về nhà, chiều lại có xe đón đến trường học tiếp. Hằng ngày, xe ôtô đã đến từng thôn để đón - trả khách với giá mỗi tháng là 300-500 nghìn đồng/người. Những chuyến xe buýt này còn là phương tiện để người dân dễ dàng ra trung tâm xã hay lên phố huyện được an toàn mà chi phí mỗi lượt khá rẻ, từ 5-10 nghìn đồng.
Hằng ngày nhiều học sinh tại huyện Krông Bông đi học bằng xe ôtô đưa đón. |
Tại nhiều địa phương khác, một số hộ tư nhân cũng tự mua xe ôtô để làm dịch vụ đưa đón HS. Sau nhiều năm lái xe khách đường dài, đầu năm 2010, anh Ngô Hồng Phong ở thôn 4, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) đã mua một chiếc xe ôtô khách để chuyên chở HS trên địa bàn xã Cư Suê và Ea M’nang đến một số trường tại trung tâm huyện. Dịch vụ này ra đời đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của người dân. Anh Phong cho hay, cứ vào đầu năm học, phụ huynh lại tấp nập đến nhà anh để đăng ký cho con em mình được đưa bằng xe ô tô đến trường, qua đó, chủ xe có trách nhiệm quản lý danh sách các cháu để đưa - đón đầy đủ. Hiện nay, xe của anh thường xuyên có 65 khách là HS, mỗi tháng chỉ phải đóng số tiền cố định là 350 nghìn đồng/HS. Ông Mai Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết: Từ khi có dịch vụ xe ôtô chuyên đưa đón HS, nhiều phụ huynh rất hài lòng, bởi con em mình được đi học, về nhà đúng giờ giấc, không có cơ hội la cà hàng quán, chơi game. Đặc biệt là những ngày nắng, mưa mọi người cũng yên tâm hơn vì con em mình được đến trường và về nhà thuận lợi bằng ôtô. Những tiện ích của phương tiện này còn giúp các bậc phụ huynh tiết kiệm được thời gian đưa đón con, có thời gian để lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đồng thời góp phần giảm thiểu lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông ở các cổng trường.
Cần quản lý chặt hơn
Mặc dù được đánh giá là tiện ích và khá hiệu quả, nhưng phần lớn hoạt động của loại phương tiện này vẫn còn nhiều bất cập. Vấn đề lo ngại của một số bậc phụ huynh là những chiếc xe chuyên chở HS đa phần là xe đã qua sử dụng, thiết bị giám sát hành trình không hoạt động, không có phù hiệu. Nguy hiểm hơn, một số xe còn thay đổi kết cấu không đúng theo thiết kế của nhà chế tạo, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Không chỉ chất lượng xe, nhiều HS còn bức xúc vì thường xuyên bị nhồi nhét, nhiều lúc không có chỗ ngồi. Giải thích vấn đề này, anh H., một lái xe đưa đón HS trên địa bàn huyện Krông Bông cho hay, những năm trước đây giá xăng dầu, phụ tùng, nhân công còn rẻ nên nhà xe còn có lợi nhuận khá. Hiện nay giá xăng dầu tăng cao, chi phí sửa chữa xe đắt đỏ, nếu tăng giá cước vận chuyển thì mất khách. Để tránh bị lỗ thì nhà xe chỉ còn cách cắt giảm chi phí tu sửa xe và chở HS nhiều hơn số ghế quy định.
Nhu cầu tăng cao khiến nhiều xe đưa đón học sinh cố nhồi nhét khách. Trong ảnh: Cảnh học sinh chen lấn lên xe ở huyện Cư M'gar. |
Một điều cũng khiến người dân quan tâm và lo lắng nữa là hầu hết các chuyến xe này đều vừa đón - trả HS dọc đường, vừa phải chạy nhanh để bảo đảm kịp giờ cho các cháu lên lớp, trong khi điều kiện đường sá ở các địa bàn thôn, buôn thường nhỏ hẹp và phương tiện đi lại của người dân đông, vì vậy thường gây tâm lý lo ngại đối với người dân và cả hành khách trên xe. Anh Lê Viết Hùng ở xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) bức xúc: Nhiều hôm trời mưa, trên đường liên xã thường xuất hiện những vũng nước đọng, khi xe ôtô đưa đón HS đi qua là nước bắn lên tung tóe cả vào sân, thậm chí là vào nhà người dân. Sợ nhất là mỗi lần ra đường gặp xe đưa đón HS là phải né nhanh, có hôm anh Hùng còn bị ngã xuống mương vì cánh lái xe này chạy ẩu lấn đường...
Theo ông Lê Công Chức, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thì xe ôtô đưa đón HS là dịch vụ tự phát, hình thành từ thực tế cung - cầu giữa phụ huynh HS và doanh nghiệp. Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng phương tiện kinh doanh dịch vụ đưa đón HS, nhưng hiện nay, loại hình này đã có mặt tại tất cả các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, công tác kiểm tra, giám sát hành trình, chất lượng xe vẫn còn buông lỏng dẫn đến tình trạng nhiều xe không đủ điều kiện lưu hành vẫn vô tư làm dịch vụ đưa đón HS. Ông Chức cũng cho biết thêm: Qua công tác thanh tra, kiểm soát của ngành chức năng tỉnh và các địa phương, từ đầu năm 2013 đến nay đã phát hiện và xử lý hàng chục trường hợp xe đưa đón HS vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ, trong đó chủ yếu là các lỗi như đón trả khách không đúng nơi quy định, xe không có phù hiệu, không thực hiện đúng nội dung đã đăng ký, niêm yết về hành trình chạy xe, xe không đủ điều kiện lưu hành… Theo ông Chức, để đảm bảo an toàn cho học sinh trên mỗi chuyến xe ôtô cũng như các phương tiện tham gia giao thông khác, các cơ quan chức năng cũng như các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ phương tiện khi tham gia đưa đón HS, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc