Multimedia Đọc Báo in

Để bồi dưỡng học sinh giỏi đạt hiệu quả

09:54, 14/03/2015
Bồi dưỡng học sinh giỏi được xem là một nhiệm vụ rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài tại các nhà trường. Để công tác này đạt hiệu quả cao cần chú ý các khâu sau:

Trước hết, làm tốt công tác phát hiện, tuyển chọn học sinh giỏi. Đây là khâu đầu tiên và giữ vai trò quan trọng trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Có làm tốt khâu này mới lựa chọn được những em có khả năng, tư chất, trí tuệ, lòng đam mê vào đội tuyển. Việc phát hiện và lựa chọn học sinh giỏi phải được tiến hành kỹ lưỡng ngay từ đầu cấp và phải bảo đảm 3 yếu tố: học sinh phải yêu thích bộ môn; có học lực từ tiên tiến trở lên và có điểm trung bình môn đăng ký dự thi phải vượt trội; có chữ viết sạch đẹp, ít sai chính tả và diễn đạt tốt. Khi tuyển chọn, phải tuyển chọn số lượng nhiều hơn chỉ tiêu theo quy định để sau đó tiến hành kiểm tra, khảo sát nhằm sàng lọc và không đưa vào đội tuyển những học sinh có số điểm khảo sát thấp, còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng làm bài.

Tiếp đến, lên kế hoạch bồi dưỡng. Đây là khâu quan trọng nhất. Một kế hoạch đầy đủ, cụ thể, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của học sinh chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao nhất. Khi bồi dưỡng kiến thức cho học sinh giáo viên cần khái quát và tái hiện những kiến thức cơ bản đã học sau đó dạy theo chuyên đề. Phương châm bồi dưỡng chủ yếu là đàm thoại, đi từ cơ bản đến nâng cao, học sinh “trống” chỗ nào giáo viên “lấp” chỗ đó, đừng nên bồi dưỡng dàn trải vì vừa mất thời gian lại vừa làm cho học sinh nhàm chán. Trong quá trình bồi dưỡng giáo viên cần luyện cho học sinh về phương pháp tư duy, kỹ năng và kỹ thuật làm bài thi. Sưu tầm và cung cấp những đề thi học sinh giỏi trong những năm gần đây để học sinh làm quen với dạng đề, giới hạn kiến thức và biểu điểm.

Ngoài ra, trong quá trình bồi dưỡng, giáo viên thường xuyên kiểm tra, đánh giá học sinh. Nguyên tắc có học thì có kiểm tra. Mục đích của kiểm tra, đánh giá là nhằm giúp cho giáo viên hiểu rõ việc học tập của từng học sinh, đồng thời phát hiện những thiếu sót về kiến thức và kỹ năng để kịp thời sửa chữa, rút kinh nghiệm cho những năm sau. Giáo viên có thể kiểm tra bằng nhiều hình thức khác nhau như: kiểm tra miệng, viết, việc làm bài tập về nhà... Qua kiểm tra giáo viên còn giúp học sinh rèn thêm chữ viết, sử dụng từ ngữ, chính tả và làm quen với các dạng đề thi.

Nếu chọn đúng đối tượng học sinh giỏi, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng vừa mang tính toàn diện vừa mang tính chuyên sâu để bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho học sinh chắc chắc tỷ lệ học sinh giỏi sẽ được tăng lên.

 Ngô Mã Thiên


Ý kiến bạn đọc