Multimedia Đọc Báo in

Chuyện học trên đỉnh núi cao

09:59, 27/11/2017

Giữa tháng 11 khi khắp nơi đang tưng bừng các hoạt động tri ân thầy cô giáo, chúng tôi tìm đến thôn 4, xã Cư San (huyện M’Đrắk), nơi có điểm trường tiểu học còn nhiều khó khăn và thiếu thốn nhất huyện.

Con đường để đến với những lớp học trên đỉnh núi thật chẳng dễ dàng. Từ quốc lộ 26 vào trung tâm xã là 20 km, đường bê tông ngoằn ngoèo ôm quanh đỉnh núi cao chót vót. Từ trung tâm xã, chúng tôi thực sự toát mồ hôi để vượt thêm 6 km đường lầy và 3 con suối. Sau gần 3 tiếng đồng hồ “vẫy vùng” trên con đường sình đất cuối cùng những lớp học ấy đã hiện ra trước mắt.

Những lớp học trên đỉnh núi

Không điện, không nước sạch và những lớp học bị tốc mái, vỡ kính sau cơn bão số 12 là những gì đập vào mắt chúng tôi khi đến đây. Dẫu vậy, tiếng cô giáo giảng bài ấm áp vẫn vọng ra từ các lớp. Những đứa trẻ chăm chú lắng nghe…

Con đường đến trường của các em ở thôn 4, xã Cư San là con suối đầy đá gồ ghề, dễ trơn trượt.
Con đường đến trường của các em ở thôn 4, xã Cư San là con suối đầy đá gồ ghề, dễ trơn trượt.

Thầy Trương Xuân Liêm, Hiệu trưởng điểm trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thôn 4, xã Cư San) cho biết, điểm trường có 3 lớp học với tổng số học sinh là 113 em, 100% là người Mông. Vì không đủ phòng học nên các lớp phải học xen kẽ, sáng là lớp 1, 4 và 5, còn buổi chiều là lớp 2 và 3. Gọi là điểm trường nhưng theo quan sát của chúng tôi, đây là những căn phòng cũ kỹ, rêu mốc bám đầy tường, lớp sơn bong tróc, bàn ghế ọp ẹp, cũ sờn. Ở đây có một lớp học đặc biệt hơn, đó là căn nhà gỗ ghép lụp sụp nằm chỏng chơ trên một nền đất cao. Thầy Liêm cho biết đây là căn nhà được các phụ huynh tự góp tiền và công để làm.

Nhìn lũ trẻ đang ngồi học mà nao lòng. Những bộ quần áo nhàu nát cũ kỹ, chân không mang dép, mặt lem luốc. Cô Hoàng Lệ Thủy, giáo viên của điểm trường cho hay, các em nhà xa trường nhất là 3 đến 4 km, đi bộ đường rừng núi, qua những con suối rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa, nước dâng ngập ngang người.

“Cõng” xe máy qua suối

Các em học sinh khó khăn là vậy, các thầy cô còn gian nan hơn. Nhà công vụ của các thầy cô được gọi vui là “ở ké”, vì đây vốn là một phòng học chỉ rộng khoảng 50 m2. Căn phòng chia ra thành 2 gian bằng một vách ngăn gỗ. Trong số 4 thầy cô ở đây thì có 3 người đã ngoài 50 tuổi. Một tuần các thầy cô thường về nhà một lần, có cô nhà cách 130 km thì một tháng mới về thăm nhà. Cô Hoàng Lệ Thủy kể, đến trường đúng những ngày mưa các thầy cô phải khoác ba lô trên lưng, chân mang ủng vậy nhưng đường đất trơn như đổ mỡ, bánh xe cứ quay ngang, phải ngồi chờ người đi qua giúp. Vào mùa mưa lũ, nước dâng cao thì nhờ người dân “cõng” xe máy. “Đợt bão vừa qua chúng tôi ăn mì tôm và cá khô cả tuần, có hôm hết thức ăn thì được người dân cho quả bầu nấu ăn tạm”, giọng cô Thủy buồn buồn.

Căn nhà gỗ lụp xụp là lớp học hằng ngày của các em học sinh thôn 4, xã Cư San.
Căn nhà gỗ lụp xụp là lớp học hằng ngày của các em học sinh thôn 4, xã Cư San.

Cuộc sống đã khó khăn, công việc dạy học lại càng vất vả hơn. Cô Thào Thị Quang cho biết, học sinh ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông, không biết tiếng phổ thông nên việc việc truyền đạt kiến thức rất khó. Vậy nên các cô đã đưa ra giải pháp là kết hợp cả tiếng phổ thông và tiếng Mông để dạy cho các em dễ hiểu hơn. Quan trọng hơn hết là trang bị cho các em những kiến thức đời sống vì nhận thức của đồng bào người Mông còn khá hạn hẹp.

Tạm biệt điểm trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng trên đỉnh núi cao, tiếng học bài của các em vẫn vang lên trong không gian núi rừng. Đến và cảm nhận, mới thấy chuyện “cõng chữ lên non” luôn là một hành trình gian nan, chỉ có lòng yêu nghề mới giúp các thầy cô giáo phải chịu nhiều thiệt thòi để bám trụ lại nơi đây...

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.