Multimedia Đọc Báo in

Thầy trò chung tay phòng chống Covid-19

08:44, 25/03/2020

Bằng chính những kiến thức đã học, mỗi học sinh đều có thể chủ động phòng tránh dịch bệnh trong trường học hay ngoài cộng đồng bằng hành động đơn giản nhưng thiết thực, đơn cử như như việc điều chế nước rửa tay khô.

Những ngày này tại các lớp học và văn phòng của Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) đều sử dụng nước rửa tay sát khuẩn do thầy trò nhà trường tự điều chế. Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng trường cho biết, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số lượng học sinh theo học tại trường lại đông nên việc chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho học sinh và giáo viên, cán bộ nhân viên của nhà trường được đặc biệt chú trọng. Ngoài việc xây dựng 3 bồn rửa tay lưu động, Ban Giám hiệu nhà trường đã giao cho tổ Hóa học và tổ Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp nghiên cứu, chế tạo nước rửa tay sát khuẩn để dùng trong nhà trường. Việc làm này vừa chung tay phòng chống dịch bệnh, vừa tiết kiệm chi phí, cũng như tạo điều kiện cho các em học sinh được ứng dụng thực hành từ lý thuyết đã học.

Các em học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) điều chế nước rửa tay sát khuẩn.  (Ảnh: Nhà trường cung cấp)
Các em học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) điều chế nước rửa tay sát khuẩn. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Từ các nguyên liệu đơn giản như cồn y tế, nước ôxy già, Glyc-erin, thầy và trò của Trường THPT Ngô Gia Tự đã tiến hành pha chế nước rửa tay sát khuẩn theo công thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Việc pha chế được tiến hành trong phòng thí nghiệm khép kín, khử trùng, nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn y tế. Sản phẩm có khả năng sát khuẩn cao, không làm hại đến da tay và có mùi hương rất dễ chịu, phù hợp với mọi người, tính ra giá thành rẻ bằng ¼  so với thị trường. Hiện nay, mỗi lớp học và các phòng làm việc trong nhà trường đều có dung dịch sát khuẩn này để sử dụng.

Em Trần Thị Thanh Nhàn (lớp 12A1) cho biết: “Trước đây chúng em đã được học về cách làm dung dịch sát khuẩn, đây là cơ hội để thực hành những lý thuyết đã học. Từ buổi thực hành em cảm thấy thú vị và nhớ bài rất lâu. Công thức đã được công bố rõ ràng nên chúng em làm khá nhanh, nhất là nước sát khuẩn không tạo cảm giác da khô, do chúng em điều chế nồng độ cồn giảm xuống 70 độ. Sử dụng đúng cách sản phẩm này góp phần bảo vệ em và gia đình, cộng đồng trước dịch Covid -19.”

Hiện nay, hoạt động điều chế nước rửa tay sát khuẩn đang được nhà trường hỗ trợ kinh phí. Sắp tới trường sẽ cố gắng vận động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, mạnh thường quân… tạo điều kiện để cho các em được thực hành nhiều hơn. Sản phẩm làm ra, các em có thể đem về nhà sử dụng, vừa đảm bảo sức khỏe cho bản thân, lại vừa có thể cho gia đình thấy được thành quả qua quá trình học tập.

Lọ nước rửa tay sát khuẩn sau khi điều chế được sử dụng rộng rãi trong nhà trường. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).
Lọ nước rửa tay sát khuẩn sau khi điều chế được sử dụng rộng rãi trong nhà trường. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Thầy Lê Quyết Thắng, giáo viên phụ trách môn Hóa học của trường cho biết thêm, thầy cùng học sinh điều chế dung dịch sát khuẩn ở dạng lỏng, để trong chai dạng xịt, phun sương nên ngoài việc dùng rửa tay còn có thể sử dụng sát khuẩn trên nhiều bề mặt khác nhau, kể cả mặt bàn, ghế…

Không chỉ Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) mà rất nhiều trường trên địa bàn tỉnh như Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột), Trường THPT Ea H’leo (huyện Ea H’leo)…  đã thực hiện pha chế dung dịch nước rửa tay khô, sát khuẩn để phòng chống dịch bệnh. Một số đơn vị còn sản xuất với số lượng lớn để tặng miễn phí cho người tiêu dùng. Đây không chỉ là cách tự bảo vệ mình trước dịch Covid -19 mà còn là hành động thể hiện ý thức, trách nhiệm sẻ chia với cộng đồng rất đáng trân trọng và cần được lan tỏa.

Ngọc Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.