Multimedia Đọc Báo in

"Thắp lửa" đam mê nghiên cứu khoa học trong sinh viên

08:27, 09/04/2021

Trong những năm qua, Trường Đại học Tây Nguyên luôn tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH), phát huy khả năng sáng tạo.

Năm 2018, nhóm sinh viên Khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ đã tìm hiểu, nghiên cứu chế tạo kính thiên văn phản xạ nhằm phục vụ việc quan sát và nghiên cứu thiên văn. Với tinh thần say mê nghiên cứu cùng sự hướng dẫn nhiệt tình của giảng viên bộ môn, sau 6 tháng nỗ lực làm việc, nhóm đã chế tạo thành công chiếc kính thiên văn phản xạ có kích thước khác nhau, giá từ 1 - 3 triệu đồng, thấp hơn nhiều lần so với kính thiên văn bán trên thị trường.

Từ thành công ban đầu, sản phẩm kính thiên văn phản xạ của nhóm được nhà trường lựa chọn để tham dự Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh năm 2020 và Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp được tổ chức trên quy mô toàn quốc.

Bạn Khăm Trần Anh Quân, sinh viên lớp Sư phạm vật lý K17 chia sẻ: “Em theo học ngành vật lý, biết đến bộ môn thiên văn học nên học hỏi cách chế tạo và tìm các bạn có cùng đam mê để lập nhóm nghiên cứu, qua đó đã làm ra kính thiên văn đạt chất lượng. Hiện tại, chúng em đang lên ý tưởng thành lập một doanh nghiệp nhỏ, hướng đến sản xuất kính thiên văn mini có thể để bàn, trang trí mà vẫn nhìn ngắm được các vật thể trên bầu trời”.

Giảng viên Khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ hướng dẫn sinh viên nghiên cứu kính thiên văn.
Giảng viên Khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ hướng dẫn sinh viên nghiên cứu kính thiên văn.
“Hoạt động NCKH đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong học tập, nghiên cứu; từng bước rèn luyện cho sinh viên phương pháp học tập khoa học và hiệu quả, từ đó hình thành tư duy độc lập, sáng tạo, giúp các em ra trường có kỹ năng để giải quyết đúng đắn các vấn đề thực tiễn đặt ra”. 
Thầy Lê Minh Tân, giảng viên Khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Trường Đại học Tây Nguyên

Để đồng hành cùng sinh viên trong nghiên cứu, sáng tạo, năm 2020 Đoàn trường, Hội Sinh viên trường tổ chức Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học nhằm tạo sân chơi bổ ích giúp các bạn trẻ có cơ hội rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, đồng thời có điều kiện trao đổi, chia sẻ kiến thức chuyên môn. Đoạt giải Nhì với đề tài  “Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm và nông sản”, sinh viên Lê Thị Anh Đào (lớp Công nghệ Thông tin K2016) chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của các thầy cô mà em có thể thực hiện được đam mê NCKH. Từ đề tài của mình, em không chỉ muốn đưa kiến thức học được áp dụng vào thực tiễn, mà còn muốn sản phẩm có thể được ứng dụng rộng rãi, truy xuất nguồn gốc giúp tránh nguy cơ giả mạo xuất xứ, chứng từ, nhãn hiệu. Tem truy xuất nguồn gốc giúp chống bán phá giá rất hiệu quả, giúp doanh nghiệp tránh được các thiệt hại trong hoạt động kinh doanh cũng như tổn thất uy tín thương hiệu mình”.

Những năm qua, phong trào sinh viên NCKH do Trường Đại học Tây Nguyên phát động đã động viên, cổ vũ sinh viên vươn lên trong học tập và phát huy khả năng, niềm đam mê công nghệ. Hằng năm nhà trường đều dành nguồn kinh phí hỗ trợ tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị để giáo viên hướng dẫn và sinh viên thực nghiệm ý tưởng, đề tài NCKH. Với sự hỗ trợ, khuyến khích của Ban giám hiệu nhà trường và sự nhiệt tình tham gia hướng dẫn của giảng viên, số lượng sinh viên tham gia báo cáo cũng như chất lượng các đề tài NCKH ngày càng tăng. Chỉ tính riêng trong năm 2020 nhà trường đã triển khai được 20 đề tài NCKH trong sinh viên với chủ đề đa dạng, đều khắp các chuyên ngành đào tạo, trong đó nhiều đề tài có tính thực tiễn cao. Điều đáng chú ý, thời gian qua nhiều sinh viên đã bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình bằng những ý tưởng, đề tài NCKH ngay từ những ngày còn ở giảng đường đại học.

Đoàn thanh niên Trường Đại học Tây Nguyên khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học năm 2020.
Đoàn thanh niên Trường Đại học Tây Nguyên khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học năm 2020.

Thầy Vũ Nhật Phương, Bí thư Đoàn trường Đại học Tây Nguyên cho biết: “Hằng năm, Đoàn trường phát động phong trào sinh viên NCKH, định hướng, trang bị cho sinh viên những kiến thức và phương pháp thực hiện các đề tài. Mặt khác, Đoàn trường còn phối hợp với Hội đồng khoa học các cấp tổ chức theo dõi tiến độ, góp ý, đánh giá và nghiệm thu các đề tài NCKH. Để hoạt động NCKH ngày càng lớn mạnh và có chiều sâu, Đoàn trường đã đưa công tác NCKH thành chỉ tiêu đánh giá của các chi đoàn, liên chi đoàn trong mỗi năm học; chấm điểm và đánh giá thi đua theo thang điểm về thành tích của sinh viên. Đoàn trường, Hội Sinh viên đã tổ chức trao thưởng cho những sinh viên có đề tài, công trình NCKH, sáng kiến, phát minh được hội đồng chuyên môn đánh giá cao, cũng như tạo điều kiện để sinh viên tham gia các giải thưởng sáng tạo về NCKH”.

Anh Phương

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.