Multimedia Đọc Báo in

Karatedo - "Tiềm năng" mới của thể thao Đắk Lắk

09:17, 19/09/2016

Karatedo Đắk Lắk đang có bước phát triển mạnh cả về phong trào lẫn thành tích cao và đây được xem là một trong những môn thể thao tiềm năng của tỉnh nhà.

Tại Giải vô địch các câu lạc bộ (CLB) mạnh Karatedo quốc gia lần thứ XVI năm 2016 (tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột), đoàn vận động viên (VĐV) của chủ nhà Đắk Lắk đã thi đấu xuất sắc, để lại nhiều ấn tượng đẹp. Giải có 679 VĐV của 57 CLB Karatedo mạnh đến từ 41 tỉnh, thành, ngành trong toàn quốc tham gia. Đội chủ nhà Đắk Lắk đem đến giải 17 VĐV, thi đấu chủ yếu ở nội dung Kumite (đối kháng) với nhiều hạng cân. Dưới sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả nhà, các VĐV Đắk Lắk đã thi đấu tự tin, hứng khởi và đạt được kết quả rất ấn tượng với 2 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ; đoạt giải Ba toàn đoàn lứa tuổi 15-17.

Một trong những gương mặt xuất sắc đã mang vinh quang về cho thể thao Đắk Lắk là VĐV Trần Hồ Hải Long (HCV cá nhân nội dung Kumite 50 kg nam lứa tuổi 15-17). Đây là cái tên khá quen thuộc với nhiều người hâm mộ môn Karetedo bởi em đang là VĐV đội tuyển trẻ Karatedo quốc gia, từng giành được nhiều thành tích. Long đến với Karatedo từ khá sớm (lúc mới 12 tuổi) và được dìu dắt bởi võ sư Lê Tấn Lớp, Chủ tịch Hội Karatedo Đắk Lắk. Tính đến nay, bộ sưu tập huy chương Long có được tại các giải khu vực và quốc gia là 3 HCV, 2 HCB. Tại giải lần này, Đắk Lắk còn giành được 1 HCV đồng đội nam lứa tuổi 15-17; HCB nội dung Kumite cá nhân hạng cân 60 kg nam, lứa tuổi 15-17 của VĐV Phan Tôn Vinh; 2 HCĐ lứa tuổi 12-14 của Nguyễn Thị Tuyết và Đặng Thị Yến Nhi.

Đoàn VĐV Karatedo Đắk Lắk tham gia Giải vô địch Karatedo quốc gia lần  thứ XXVI năm 2016 tại TP. Cần Thơ.
Đoàn VĐV Karatedo Đắk Lắk tham gia Giải vô địch Karatedo quốc gia lần thứ XXVI năm 2016 tại TP. Cần Thơ.

Mới đây nhất, tại giải Vô địch Karatedo toàn quốc lần thứ XXVI năm 2016 (tổ chức tại TP. Cần Thơ), đoàn thể thao Đắk Lắk có 2 VĐV và em Tăng Quốc Tuấn giành được HCV nội dung Kumite (đối kháng) hạng cân 54 kg nam, bảo vệ thành công HCV toàn quốc giành được tại mùa giải 2015. Võ sư Lê Tấn Lớp cho biết: “Mặc dù cơ sở vật chất, điều kiện tập luyện còn nhiều khó khăn thiếu thốn, đặc biệt là lực lượng VĐV chủ yếu tuyển chọn từ phong trào, chưa được thi đấu ở môi trường chuyên nghiệp, nhưng đoàn Karatedo Đắk Lắk đã rất cố gắng, vươn lên đứng thứ 3 toàn đoàn ở lứa tuổi 15-17”.

Karatedo Đắk Lắk có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, đó là lực lượng VĐV các tuyến ổn định, có năng khiếu và đặc biệt khi thi đấu rất quyết tâm để mang thành tích về cho thể thao tỉnh nhà. Karatedo Đắk Lắk đang đi đúng hướng khi được xây dựng trên nền tảng căn cơ, phong trào phát triển ổn định.

Võ sư Lê Tấn Lớp, Chủ tịch Hội Karatedo Đắk Lắk.

Phong trào tập luyện võ thuật Karatedo trong tỉnh bắt đầu nhen nhóm từ năm 1990 khi võ sư Lê Khắc Ghi (nguyên Chủ tịch Hội Karatedo Đắk Lắk) từ quê hương Quảng Ngãi lên mảnh đất cao nguyên này gây dựng cơ nghiệp. Sau khi tách tỉnh, võ sư Lê Khắc Ghi chuyển sang Đắk Nông, em trai ông là võ sư Lê Tấn Lớp (hiện là Chủ tịch Hội Karatedo Đắk Lắk) đã tiếp tục duy trì, phát triển sâu rộng phong trào luyện tập Karatedo và ngày càng nâng cao chất lượng. Tháng 11-2007, UBND tỉnh có quyết định thành lập Hội Karatedo Đắk Lắk. Từ khi thành lập đến nay, Hội Karatedo luôn nhận được sự quan tâm của ngành Thể thao tỉnh và đông đảo quần chúng nhân dân. Nhờ đó, phong trào luyện tập Karatedo nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ, đến nay, đã phát triển rộng khắp tại các nhà văn hóa trung tâm, trường học của 15 huyện, thị xã, thành phố với hơn 60 CLB và gần 8.000 môn sinh. Thông qua phong trào, đã xuất hiện nhiều võ sinh có năng khiếu, tố chất chuyên môn kỹ thuật, góp phần tạo nguồn, bổ sung lực lượng cho đội tuyển Karatedo của tỉnh và quốc gia.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.