Bóng đá - Thăng hoa vẻ đẹp của tình đoàn kết
09:35, 14/06/2021
Ai cũng biết bóng đá chỉ là một môn thể thao vận động, chỉ là một cuộc chơi của hơn hai mươi cầu thủ chạy qua chạy lại trên sân. Thế nhưng những giá trị tiềm ẩn mà bóng đá mang lại là không thể kể hết.
Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu 2020 (Euro 2020) đang là một vòng chung kết đặc biết nhất trong lịch sử giải đấu cũng như lịch sử bóng đá thế giới. Đặc biệt từ cách tổ chức cho đến những diễn biến bất ngờ của nó cho đến thời điểm này.
Sau một năm trì hoãn vì dịch bệnh, Euro 2020 đã chính thức được khai mạc vào rạng sáng 12-6 vừa qua. Và ngay trong trận đấu thứ ba của giải đấu giữa Đan Mạch - Phần Lan, tiền vệ Christian Eriksen của Đan Mạch khi đang di chuyển gần cuối sân phía khán đài B bỗng dưng đổ ập xuống mặt sân cỏ dù không va chạm với ai. Cả thế giới bóng đá bàng hoàng với pha đổ gục trên sân của Christian Eriksen.
Thế nhưng, trong những ngày vừa qua, truyền thông các nước lại nói rất nhiều về những diễn biến sau sự cố này. Đó là hình ảnh các cầu thủ Đan Mạch khoác tay nhau tạo thành vòng tròn quanh khu vực các nhân viên y tế sơ cứu cho Christian Eriksen; đó là hình ảnh lá cờ của Phần Lan được dùng để che chắn, bảo đảm sự riêng tư cho Christian Eriksen trong khoảnh khắc sinh tử; đó là hình ảnh cả sân vận động Parken ở Copenhagen lặng đi cùng cầu nguyện cho Eriksen; đó là tiếng hô vang Christian Eriksen của cổ động viên Đan Mạch và Phần Lan khi trận đấu được tiếp diễn; hay hầu hết những pha ăn mừng bàn thắng của các cầu thủ bóng đá trên thế giới vào thời điểm này đều hướng đến động viên, chia sẻ với tiền vệ của đội tuyển Đan Mạch...
Tất cả đã thể hiện tình đoàn kết, giá trị cao đẹp mà bóng đá mang lại.
Các cầu thủ Đan Mạch khoác tay nhau tạo thành vòng tròn che chắn cho Christian Eriksen trở thành hình ảnh đáng nhớ tại Euro 2020. (Ảnh: Internet) |
Không chỉ khi sự cố của tiền vệ Christian Eriksen diễn ra người ta mới nhắc đến giá trị của tình đoàn kết mà bóng đá mang lại. Ngay cả cái cách tổ chức Euro 2020 cũng phần nào đã cho thấy điều đó. Đây có thể nói là một kỳ Euro "độc nhất vô nhị" khi được tổ chức đồng loạt tại 11 quốc gia của Lục địa già. Đành rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, việc tổ chức giải đấu ở nhiều quốc gia cùng một lúc sẽ tiềm ẩn không ít rủi ro và gây áp lực rất lớn lên vai các nhà tổ chức, nhưng có vẻ như đó là điều cần thiết vào lúc này.
Việc tổ chức Euro ở nhiều quốc gia vào thời điểm này không chỉ là “một sự kiện lãng mạn" theo cách dùng từ của Michel Platini, cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu sử dụng 9 năm trước khi mô tả về Euro 2020, mà nó đang mang lại những giá trị rất cần thiết vào lúc này. Đó không chỉ là cầu chuyện sẻ chia khó khăn về kinh tế cho tất cả những nước được tổ chức các trận đấu, không chỉ giúp người dân các nước thuộc "vùng trũng" của châu Âu được hòa cùng không khí bóng đá đỉnh cao của châu lục ngay trên quê hương mình… mà dường như đã diễn ra đúng lúc.
Chứng kiến không khí bóng đá trên khắp châu Âu vào thời điểm này có thể cảm nhận được mọi chuyện lo lắng, bi quan về đại dịch COVID-19 đã phần nào dịu lại.
Đây không phải là lần đầu tiên giá trị vô hình mà thể thao nói chung, bóng đá nói riêng mang lại cho thế giới. Đã có rất nhiều trận đấu bóng đá đi vào lịch sử như là “Sứ giả của hòa bình”. Chẳng hạn, trong Thế chiến thứ nhất (năm 1914) đã có trận đấu bóng đá mà nhiều người gọi đó là "Trận đấu hòa bình trên chiến hào", một sự kiện hiếm hoi trong lịch sử chiến tranh và trở thành biểu tượng hòa bình cho đến ngày nay.
Ấy là vào đêm Giáng sinh đầu tiên của Thế chiến thứ nhất (25-12-1914), giữa mặt trận súng đạn ác liệt, binh sĩ Anh và Đức ở chiến hào vẫy tay ra hiệu cho nhau hạ vũ khí để tận hưởng Giáng sinh an lành, dù không hề có thỏa hiệp ngừng bắn nào khi đó. Tiếp theo, binh sĩ ở hai chiến tuyến bước ra khỏi chiến hào lên mặt đất cùng hát Thánh ca, tặng nhau câu chúc “Merry Christmas”, trao đổi thực phẩm, cắt tóc cho nhau... và điều đặc biệt nhất là tổ chức một trận đấu bóng đá giao hữu khi trời hừng sáng. Chính trận đấu này được cho là đã tạo nên một nguồn cảm hứng làm “mềm hóa” sự đối đầu, oán hận và hậu quả nặng nề trong tàn dư của Thế chiến thứ nhất.
Tác phẩm điêu khắc tưởng nhớ đến trận đấu lịch sử năm 1914 ở Liverpool, Vương quốc Anh. (Ảnh: Internet) |
Gần đây hơn, bóng đá cũng đã mang lại hòa bình cho đất nước Bờ Biển Ngà. Đất nước này từng rơi vào cảnh chia cắt hai miền Nam - Bắc vì cuộc nội chiến đẫm máu đầu những năm 2000. Trong khi mọi nỗ lực đàm phán hòa bình đều bế tắc thì vào tháng 6-2007, niềm tin vào sức mạnh bóng đá đã giúp Drogba và đồng đội thực hiện một quyết định chấn động thế giới: đề nghị Tổng thống Laurent Gbagbo cho trận đấu với Madagascar ở vòng loại CAN 2008 chuyển từ Abidjan (thành phố thường xuyên tổ chức các trận đấu của tuyển quốc gia) đến thi đấu tại Bouake (đại bản doanh của quân nổi dậy phía Bắc).
Nhờ trận cầu ấy, lần đầu tiên kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra, thành viên quân đội Chính phủ tiến vào thành lũy của quân nổi dậy. Sau chiến thắng 5-0 của đội tuyển quốc gia trước Madagascar, hình ảnh binh sĩ Chính phủ cùng quân nổi dậy hát vang bài quốc ca L'Abidjanaise thực sự mở ra một bước tiến dài cho sự hòa giải dân tộc ở Bờ Biển Ngà. Bởi sau đó quốc gia Tây Phi này đi đến thống nhất 2 miền dưới sự điều hành của một chính phủ mới, kết thúc 5 năm chiến tranh.
Có thể kể ra rất nhiều câu chuyện kỳ diệu mà bóng đá mang lại, những trận bóng góp phần "thay đổi thế giới". Bóng đá không chỉ là chuyện thắng thua, quyết liệt trên sân, đấu khẩu trong và ngoài đường piste mà bóng đá còn mang trong mình những giá trị nhân văn cao cả.
Thế nhưng, tựu trung lại, có lẽ chính vì nó đề cao tinh thần đồng đội, đề cao tinh thần đoàn kết của một tập thể, của một dân tộc và cả thế giới là lý do mà bóng đá được nhiều người trên toàn thế giới, bất kể ngôn ngữ, màu da yêu thích, hâm mộ, gọi là môn “thể thao vua”...
Giang Nam