Multimedia Đọc Báo in

Iran liệu có khuất phục trước sự trừng phạt của Liên minh châu Âu?

21:26, 31/07/2010

Ngoại trưởng các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hôm 26-7 đã chính thức thông qua các biện pháp trừng phạt mới hà khắc hơn đối với Iran nhằm kêu gọi nước này quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân. Các biện pháp trừng phạt mới sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến Iran nhưng có khả năng người phải hứng chịu nhiều hơn lại chính là EU. Lẽ nào EU đang tự “gậy ông đập lưng ông”?

EU quyết định “giơ gậy”
Tiếp nối Mỹ, hồi đầu tuần này EU đã quyết định thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm ngăn chặn các tham vọng hạt nhân của nước này. Gói biện pháp trừng phạt mới sẽ bao gồm việc cấm giao thông, đi lại và phong toả tài sản đối với một số cá nhân, tổ chức cũng như những hạn chế được áp dụng trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ tài chính… Đáng chú ý, EU sẽ cấm các hoạt động đầu tư vào ngành dầu mỏ và khí đốt Iran đồng thời cấm xuất khẩu các thiết bị, công nghệ sang nước này, đặc biệt là những công nghệ có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Một cơ sở hạt nhân của Iran. (Ảnh: Internet)
Một cơ sở hạt nhân của Iran. (Ảnh: Internet)

EU hy vọng “việc có một tiếng nói mạnh mẽ” trong các vấn đề quốc tế nóng như vấn đề hạt nhân Iran sẽ giúp liên minh này nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng trên sân khấu toàn cầu. Hơn nữa, vấn đề Iran cũng đóng một phần quan trọng trong các chính sách mới của EU đối với Trung Đông. Việc thúc đẩy giải quyết vấn đề Iran sẽ là một bước quan trọng để EU áp dụng các chính sách mới của mình. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, mặc dù đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới hà khắc hơn nhưng EU vẫn để ngỏ cánh cửa cho việc tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho vấn đề Iran.
Iran liệu có khuất phục?
Phản ứng trước hành động trừng phạt đơn phương của EU, Iran vừa tỏ thái độ thách thức vừa có dấu hiệu mềm mỏng. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã cảnh báo EU không được tham gia vào “âm mưu” chống Iran của Mỹ, nói rằng bất kỳ sự hợp tác nào của EU với Washington cũng sẽ được coi là hành động thù địch với nhân dân Iran. Ông này tuyên bố những hành động đó sẽ vấp phải những đòn đáp trả nhanh chóng và mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bất chấp những lời lẽ thách thức trên, chính phủ Iran bắt đầu có dấu hiệu mềm mỏng, hợp tác khi tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Đúng ngày EU thông qua các biện pháp trừng phạt mới, Tehran đã gửi một bức thư đến Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong đó nói rằng nước này sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán với IAEA về kế hoạch trao đổi nhiên liệu hạt nhân mà không cần bất kỳ điều kiện gì. Tuy vậy, các nhà phân tích nhận định vẫn còn quá sớm để khẳng định những thông điệp lẫn lộn của Iran là chiến thuật “câu giờ” hay là sự thỏa hiệp thực sự.
Iran hiện là nước có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn thứ hai thế giới nên có thể tự đáp ứng nhu cầu về năng lượng của bản thân. Vì vậy, ngoài việc làm xấu đi môi trường kinh doanh vốn yếu kém sẵn của Iran thì các biện pháp trừng phạt mới chỉ tác động đến nguồn cung cấp xăng dầu cho Iran trong một thời gian ngắn hạn chứ khó có thể đem lại kết quả lý tưởng như mong muốn của EU. Tồi tệ hơn, người ta đang lo ngại về tác dụng ngược của những biện pháp trừng phạt mới.
Gậy ông đập lưng ông?
Các biện pháp trừng phạt mới của EU chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư vào ngành dầu mỏ và khí đốt của Iran nhưng với việc EU ngày càng phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Iran thì rất có khả năng người phải hứng chịu nhiều hơn lại chính là EU. Các biện pháp trừng phạt mới sẽ ảnh hưởng đến EU không chỉ với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của Iran mà còn đến an ninh năng lượng của liên minh này.
Trong bối cảnh Iran đang rất cần những khoản đầu tư nước ngoài vào ngành năng lượng thì ảnh hưởng to lớn của những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với ngành dầu mỏ, khí đốt Iran chắc chắn cũng ít nhiều có tác động đến tình trạng mất an ninh năng lượng mà châu Âu hiện đang phải đối mặt và đang rất lo lắng. Điều đó được phản ánh qua việc 27 thành viên EU mới đây đã tỏ ra lo ngại về sự phụ thuộc quá mức của liên minh này vào nguồn khí đốt của Nga và đang vội vàng đi tìm kiếm các nguồn nhập khẩu khí đốt khác.
Các biện pháp trừng phạt Iran sẽ không tránh khỏi việc gây ra những mất mát về kinh tế, tài chính và năng lượng cho EU. Trên thực tế, Iran từng cảnh báo họ có thể sẽ chuyển các giao dịch năng lượng từ đồng euro sang các đồng tiền khác. Dù mới chỉ là lời đe doạ nhưng động thái đó đã khiến đồng euro thêm suy yếu trong bối cảnh khu vực đồng euro đang phải vật lộn với một loạt khó khăn về tình hình tài chính, tiền tệ.
Không chỉ thế, những biện pháp trừng phạt mới của EU rõ ràng đã nhằm mục tiêu vào chính nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy của châu Âu, không giống như các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nước không trực tiếp nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Iran. Một ví dụ là hãng năng lượng khổng lồ của Thuỵ Sỹ EGL chắc chắn sẽ là nạn nhân bị ảnh hưởng. Thật trớ trêu là quyết định trừng phạt Iran của EU được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ký một thoả thuận về đường ống dẫn khí đốt trị giá 1,3 tỷ USD với Iran. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng lên án động thái của EU và công khai tuyên bố không thực hiện các biện pháp trừng phạt Iran.

Theo VnMedia


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.