Multimedia Đọc Báo in

Quả bom nguyên tử đầu tiên và thảm họa Hirôsima

11:05, 18/07/2010

Vào mùa hè năm 1939, tình hình châu Âu trở nên cực kỳ căng thẳng khi từ Béclin truyền đi một tin tức kinh người: Hítle đang cho xúc tiến quá trình chế tạo bom nguyên tử!
Nguyên lý phân rã hạt nhân của bom nguyên tử là phát hiện của nhà khoa học người Đức Hain Sthorasam và nhà khoa học nữ Do Thái Mađơna. Khi Hítle lên nắm quyền ở Đức thì có nhiều nhà khoa học lừng danh nước Đức và châu Âu sang định cư tại Mỹ. Tháng 8 năm 1939, nhà khoa học Sirade cùng một số nhà khoa học khác vô cùng lo lắng số phận nhân loại, nên mời Anbe Anhxtanh đứng ra ký lá thư do họ viết, gửi cho Tổng thống Mỹ Rudơven, yêu cầu nước Mỹ phải chế tạo ra bom nguyên tử trước nước Đức.
Sau một tuần suy nghĩ, Rudơven ký lệnh sản xuất bom nguyên tử.

Theo đó, Mỹ thành lập một Ủy ban đặc biệt với mã số “5-11”, bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm hạt nhân. Tháng 8 năm 1942, tướng Gơlốp, Phó chủ nhiệm ban kiểm soát binh đoàn công trình lục quân nước Mỹ, nhà khoa học chủ trì Ủy ban “5-11” hội đồng cán bộ quản lý cao cấp, xây dựng nên một kế hoạch mới tên là “Manhatan”. Phòng thực nghiệm nguyên tử đặt tại bãi hoang bang Niu Mêxicô. Công việc này được bảo mật cao độ, ngay cả Phó Tổng thống Truman lên làm Tổng thống khi Rudơven chết vào tháng 4 năm 1945 mới được biết.
Cũng vào lúc đó, nước Đức Quốc xã càng ráo riết tăng cường nghiên cứu qui trình chế tạo bom nguyên tử. Tháng 6 năm 1942, Rudơven bàn với thủ tướng Anh Sớcsin, đã cân nhắc toàn diện tình hình tiến triển của công việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử của cả hai phía. Họ được biết qua mạng lưới tình báo, nước Đức sau khi chiếm đóng Na Uy, đã ra lệnh cho nhà máy sản xuất nước nặng ở Na Uy mỗi năm cung cấp cho Đức năm tấn nước nặng. Nước nặng là nguyên liệu hoãn xung làm cho Nơtơrôn trong lò phản ứng nguyên tử giảm được tốc độ. Rudơven và Sớcsin thỏa thuận, để cho Đức không chế tạo được bom nguyên tử, phải phá hủy nhà máy nước nặng của Na Uy, chặt đứt nguồn nước nặng của nước Đức.

Mỹ – Anh cùng phối hợp thực hiện ý đồ này. Đợt tập kích thứ nhất (vào đêm ngày 19 tháng 11 năm 1942) bị thất bại. 34 lính trong nhóm hoặc bị chết hoặc bị bọn Giéctapô bắt sống. Đợt tập kích thứ hai (vào đêm 17 tháng 2 năm 1943), giành thắng lợi, đã phá hủy được nhà máy. Dầu không muốn, Đức Quốc xã cũng đành phải bỏ dở giấc mộng sản xuất bom nguyên tử.

Để tranh thủ chế tạo được bom nguyên tử trước nước Đức, Mỹ đã cử một nhóm hành động với cái tên “Alsut” tới chiến trường châu Âu với hai nhiệm vụ: Tìm kiếm các nhà khoa học Đức và thu nhập thông tin tình báo quanh việc nước Đức chế tạo bom nguyên tử. Mỹ cho rằng nếu có được một nhà khoa học Đức hàng đầu thì còn quan trọng hơn bắt làm tù binh 10 sư đoàn quân Đức. Về mặt tin tức, vào tháng 6 năm 1944, khi đồng minh Anh – Pháp – Mỹ đổ bộ lên Nocmăngđi (Pháp) thì nhóm “Alsút” đã tìm đọc được quy trình nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử của Đức có mật danh “chương trình U”, được cất giấu trong trường đại học ở Stơrasbua. Rồi đến mùa xuân 1944, nhóm lại tìm thấy một cơ sở “chương trình U” trong vùng quân Đức chiếm đóng tại Heysin Kan. Mỹ đã tổ chức hủy diệt cơ sở này.

5 giờ 30 phút ngày 16 tháng 7 năm 1945, quả bom nguyên tử mang tính chất thử nghiệm đầu tiên do Mỹ chế tạo, nổ thử thành công tại bang Niu Mêhicô.
Đợt một nước Mỹ chỉ chế tạo ba quả bom nguyên tử. Quả thứ nhất cho nổ thử tên là “anh gầy”, quả thứ hai tên “anh béo” và quả thứ ba tên “con trai”.
Khi đó, Truman đang dự hội nghị Pôt-sđam, được biết bom nguyên tử thử nghiệm thành công, vô cùng sung sướng. Đối với Truman và nước Mỹ, bom nguyên tử không chỉ là vũ khí quân sự để đối phó với Nhật Bản, mà còn là một vũ khí ngoại giao, có thể kiềm chế Liên Xô. Thế là, trên đường về nước ngày 2 tháng 8, Truman lập tức quyết định ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản.

Việc ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản đã từng có cuộc tranh luận gay gắt trong nội bộ nước Mỹ. Rất nhiều nhà khoa học tham gia vào kế hoạch Mahastan trước sau vẫn giữ thái độ không tán thành. Lên tiếng phản đối trước tiên là nhà vật lý học Sirade, người đã từng yêu cầu Anhxtanh gửi thư cho Rudơven. Ông nói điều mong muốn của ông là nước Mỹ có bom nguyên tử trước nước Đức. Mục đích đó ngày nay đã đạt. Hítle sụp đổ. Còn nước Nhật chưa thể có bom nguyên tử. Vì vậy, nước Mỹ quyết không thể đơn phương dùng bom nguyên tử, bởi sức tàn phá của nó quá lớn, chưa thể hình dung nổi. Các nhà khoa học ở phòng thí nghiệm còn nhấn mạnh: “Dù không dùng đến bom nguyên tử, cuộc chiến tranh chống Nhật rõ ràng cũng đã sắp kết thúc. Vấn đề chúng tôi phải suy nghĩ là bom nguyên tử tượng trưng cho cái gì trong nền văn minh tương lai”.
Nhưng Truman và chính phủ Mỹ muốn Nhật đầu hàng nhanh nhất, cũng muốn lấy việc đó để khống chế Liên Xô. Vì vậy, Truman quyết định ném bom nguyên tử xuống đất Nhật.

Lúc 9 giờ 14 phút 7 giây ngày 6 tháng 8 năm 1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hirôsima Nhật Bản. Quả bom nặng 5 tấn, được chuyên chở bằng máy bay B-29. Bom nổ cách mặt đất 600 mét. Tiếng nổ đinh tai nhức óc. Trong nháy mắt, thành phố đột ngột cuộn lên một cột nấm khổng lồ, hàng trăm cột lửa vọt lên, sức nóng tới một nghìn triệu độ đã biến tất cả thành tro bụi. Thành phố bị tàn phá tơi bời. Mưa phóng xạ làm cho con người chết dần, chết mòn trong suốt 20 năm sau. Người và vật ở gần tâm nổ bị tan nát như phân ly của nguyên tử.

Lúc ấy, dân số Hirôsima có hơn 34 vạn, thì số người chết là 88.000 người, bị thương và mất tích hơn 51.000 người. Thành phố có 76.000 ngôi nhà thì 48.000 ngôi nhà bị sập, 22.000 nhà bị phá hủy nghiêm trọng.
Theo yêu cầu của Liên hiệp quốc, ngày 9 tháng 8 năm 1945, Liên Xô chính thức tuyên chiến với Nhật. Lúc 11 giờ 30 phút ngày 9 tháng 8, đúng lúc Liên Xô xuất quân tấn công mãnh liệt đội quân Quan Đông của Nhật thì Mỹ ném quả bom nguyên tử thứ hai xuống đất Nhật, tại thành phố Nakaxaki. Thành phố có 27 vạn dân thì ngày hôm đó đã chết 60.000 người. Thành phố trở thành bãi tang thương như ở Hirôsima trước đó mấy ngày.
Bằng hành động ném hai quả bom nguyên tử, nước Mỹ đã gây thảm họa đối với Nhật, đó cũng là một tội ác đối với nhân loại.

Cũng cần nhắc lại là ngay sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc, Mỹ đã soạn thảo một kế hoạch tuyệt mật nhằm ném bom nguyên tử xuống hai mươi thành phố trên đất nước Xô-Viết. Đến ngày 14 tháng 7 năm 1945, Liên – Xô tiến hành vụ nổ bom hạt nhân thành công. Chính thành tựu này của Liên Xô đã ngăn chặn âm mưu tàn bạo của Mỹ nói trên.

Nguyễn Trúc

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thiết thực chăm lo cho người lao động
Cùng với việc bảo đảm việc làm, thu nhập, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều quan tâm để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, đặc biệt là các chính sách lao động nữ, các chương trình hỗ trợ về nhà ở.