Multimedia Đọc Báo in

Những gương mặt lãnh đạo chi phối thế giới

08:10, 11/01/2013

Một trong những yếu tố của năm 2012 được cho là sẽ có nhiều tác động tới năm 2013, là những cuộc bầu cử. Sau đây là những gương mặt lãnh đạo được coi là sẽ góp phần chi phối xu hướng của thế giới năm 2013.

Với nước Nga của Tổng thống Putin, năm 2013 là năm để ông Putin tập trung giải quyết các vấn đề của nước Nga, nhằm tăng cường sức mạnh nội lực, để nước Nga thích ứng với những thay đổi đang diễn ra trên thế giới và những thách thức từ chính nội tại của nước này. Thông điệp đầu năm mới của ông Putin là lời kêu gọi đoàn kết để vượt qua thách thức.

Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh: “Chỉ khi cùng nhau - chúng ta - những người Nga mới có thể tiến về phía trước một cách tự tin, đối đầu với bất kỳ khó khăn nào, xây dựng một đất nước hùng mạnh, thành công và hiện đại, một xã hội thịnh vượng và tự do”.

Tổng thống Nga và Mỹ là 2 trong số những gương mặt lãnh đạo chi phối tình hình  thế giới 2013. (Nguồn: Internet)
Tổng thống Nga và Mỹ là 2 trong số những gương mặt lãnh đạo chi phối tình hình thế giới 2013. (Nguồn: Internet)

Để thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Nga hùng mạnh, trong nhiệm kỳ thứ 3 của ông Putin các biện pháp như chủ trương xóa bỏ độc quyền, đẩy mạnh mức độ hợp tác kinh tế với bên ngoài sẽ được quan tâm. Châu Âu vẫn là thị trường quan trọng nhất. Trong khi đó, Moskow sẽ đẩy mạnh nhất thể hóa khối liên kết với các nước thuộc Cộng đồng Các quốc gia độc lập SNG - khu vực vẫn được coi như là môi trường cạnh tranh địa chiến lược giữa Nga và Mỹ.

Ở Mỹ, ngày 21-1, Tổng thống Barack Obama sẽ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2. Người Mỹ không còn kỳ vọng vị tổng thống này sẽ mang lại những thay đổi đột biến cho nước Mỹ như khi ông nhậm chức cách đây 4 năm. Người Mỹ hy vọng, khi không còn phải tập trung vào các chiến dịch tranh cử, ông sẽ dành nguồn lực để giải quyết các khó khăn kinh tế trước mắt.

Trong lĩnh vực đối ngoại, việc tiếp tục các cam kết tái can dự tại châu Á - Thái Bình Dương của Nhà Trắng là yếu tố đáng chú ý nhất tác động tới tình hình thế giới trong năm nay. Ngoài ra, chương trình hạt nhân của Iran và cuộc khủng hoảng Syria sẽ là những hồ sơ mà nước Mỹ muốn giải quyết trong các tháng tới.

Ở Nhật Bản, trong những ngày cuối cùng của năm 2012, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã ra mắt. Những lời tuyên bố của ông Abe trong lễ công bố nội các mới cho thấy, chính quyền Tokyo sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao chú trọng tới các liên kết khu vực, và quyết tâm đạt được những thành tựu về kinh tế trong lĩnh vực đối nội.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định: “Chúng ta sẽ quay trở lại với chính sách ngoại giao nhằm bảo vệ lợi ích chủ quyền. Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản, Nhật Bản - Hàn Quốc và quan hệ đồng minh quan trọng nhất Nhật Bản - Mỹ đều đang đứng trước những thách thức”.

Được bầu lên sau Đại hội toàn quốc lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình sẽ theo đuổi đường lối tăng cường bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở khu vực, trong một môi trường an ninh đang dần trở nên phức tạp hơn ở khu vực. Năm 2012 là năm Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự song song với sự chuyển hướng chính sách của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ của Trung Quốc với các nước trong khu vực cũng đứng trước những thách thức liên quan tới tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Sự nóng lạnh trong các mối quan hệ giữa các nước lớn sẽ có những tác động nhất định tới bầu không khí của toàn thế giới. Những vấn đề lớn của thế giới có được giải quyết hay không cũng phụ thuộc vào sự hợp tác một cách tích cực của các quốc gia này.

Năm 2013 sẽ là năm các nhà lãnh đạo thế giới phải tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm, từ các cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài cho tới làn sóng nổi dậy đẫm máu ở khu vực Trung Đông.

                                                                                    (Theo VTV)


Ý kiến bạn đọc