Multimedia Đọc Báo in

Mỹ không loại trừ khả năng tấn công quân sự vào Iraq

08:55, 15/06/2014
Tờ USA Today ngày 12-6 dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng Iraq cần “sự trợ giúp nhiều hơn” để chiến đấu chống lại lực lượng nổi dậy hiện đang đe dọa tấn công Baghdad và Mỹ cũng đang cân nhắc các phương án khác nhau để hỗ trợ Iraq.
 
Ông Obama nói: “Tôi không loại trừ bất cứ điều gì bởi vì chúng tôi có quyền và lợi ích trong việc đảm bảo rằng các chiến binh thánh chiến sẽ không có chỗ đứng lâu dài ở Iraq hoặc Syria”. USA Today dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao giấu tên cho hay, Mỹ có thể xem xét phát động các cuộc không kích hoặc sử dụng máy bay không người lái để tấn công lực lượng nổi dậy ở Iraq. Tuy nhiên, các phương án mà Mỹ có thể lựa chọn không bao gồm việc sử dụng bộ binh. Tổng thống Obama cho biết: “Sẽ có một số biện pháp quân sự trong ngắn hạn được ưu tiên sử dụng trước mắt. Nhóm nghiên cứu an ninh quốc gia của chúng tôi đang xem xét tất cả các biện pháp. Những gì chúng ta đã chứng kiến trong những ngày gần đây cho thấy Iraq cần sự giúp đỡ nhiều hơn nữa. Baghdad không chỉ cần sự giúp đỡ của riêng chúng tôi mà còn cần sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế”.
 
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki để khẳng định rằng, Mỹ sẽ sát cánh cùng với Iraq trong cuộc chiến chống lại các nhóm nổi dậy. Tuyên bố của Nhà Trắng cho hay, ông Biden nói rằng Mỹ đang chuẩn bị để “tăng cường, đẩy mạnh hỗ trợ an ninh và hợp tác với Iraq”. Tuy nhiên, ông Biden cũng nói với ông Maliki rằng, các phe phái chính trị ở Iraq cần sớm tìm được tiếng nói đồng thuận để có thể chung tay đánh bại kẻ thù là những nhóm Hồi giáo cực đoan.  
Một vụ nổ đã xảy ra khi phiến quân ISIL chiếm giữ trạm kiểm soát của quân đội Iraq ở Salahuddin,miền Bắc Iraq. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một vụ nổ đã xảy ra khi phiến quân ISIL chiếm giữ trạm kiểm soát của quân đội Iraq ở Salahuddin,miền Bắc Iraq. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng các cường quốc thế giới cần phải có hành động ngay lập tức để giải quyết tình hình tại Iraq, sau khi các chiến binh Hồi giáo phát động cuộc tấn công đe dọa sự thống nhất của quốc gia vùng Vịnh này và tạo ra mối nguy lớn cho khu vực. Phát biểu trong một tuyên bố, ông Fabius nói: “Cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông (ISIL) đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng tới sự thống nhất và chủ quyền của Iraq, đồng thời đặt ra mối đe dọa lớn cho sự ổn định của khu vực. Cộng đồng quốc tế cần phải giải quyết tình hình này”.
 
Trong khi đó, vào sáng sớm 12-6, cảnh sát Iraq đã đụng độ với phiến quân Hồi giáo ở thành phố nhiều dầu lửa Kirkuk, trong nỗ lực nhằm giành lại quyền kiểm soát các vùng ngoại ô của thành phố này. Theo nguồn tin của cảnh sát, 10 phần tử phiến quân đã bị tiêu diệt, 6 cảnh sát bị thương trong các vụ bắn tỉa. Nghiêm trọng hơn, nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông (ISIL) tuyên bố sẽ tiến về thủ đô Bagdad, sau khi chiếm được 2 thành phố của người Sunni trong tuần qua. Người phát ngôn ISIL  al-Adnani đe dọa, nhóm này sẽ chiếm các thành phố của người Shiite ở phía nam như Karbala và Najaf (nơi có 2 đền thờ linh thiêng nhất của người Hồi giáo dòng Shiite. Nhóm này tuyên bố muốn thành lập một tiểu vương quốc Hồi giáo bắc ngang biên giới Iraq-Syria. Tổ chức cực đoan này muốn thọc sâu vào khu trung tâm của người Sunni ở Iraq (địa bàn trước đây do lính Mỹ kiểm soát nhưng nay đang bị bỏ trống). 
 
Trong bối cảnh an ninh ngày càng xấu đi, Thủ tướng Iraq Al-Maliki kêu gọi quốc hội tuyên bố tình trạng khẩn cấp, để ông có thể thực thi những quyền hạn đặc biệt như áp đặt lệnh giới nghiêm, hạn chế người dân đi lại và kêu gọi tổng động viên. Tuy nhiên, cho đến ngày 12-6 Quốc hội Iraq vẫn không thể nhất trí triệu tập phiên họp bất thường bàn về việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Quyết định này cần phải có 2/3 đại biểu Quốc hội Iraq nhất trí. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Iraq Osama al-Nujaifi đã phải hoãn phiên họp bất thường cho đến khi có thông báo mới do một số phe phái chính trị không tham gia.
 
Phó Thủ tướng nước láng giềng Kuwwait Sabah Khalid al-Hamad al-Sabah cho rằng, tình hình tại Iraq đang là mối quan ngại của toàn khu vực và nếu không có sự đáp trả cần thiết đối với chủ nghĩa khủng bố tại đây thì sẽ xảy ra hậu quả nghiêm trọng. “Những diễn biết ở Iraq là mối quan ngại không chỉ của Kuwait mà của tất cả các nước trong khu vực. Đáng tiếc rằng đây là điều chúng ta đã đoán trước được. Chúng tôi đã cảnh báo rằng những diễn biến ở Syria có thể lan sang các nước láng giềng”, ông al-Sabah nói.
 
Ngày 12-6, Liên minh châu Âu và Liên đoàn Arab cũng đã ra tuyên bố lên án các vụ tấn công ở Iraq. Đại sứ Iraq tại Pháp đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong phiên họp cuối ngày hôm nay (13-6) thông qua viện trợ quân sự thêm cho nước này, bao gồm cả hỗ trợ về không quân.
 
H.T (tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc