Rúng động với các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở cả 3 châu lục
15:51, 30/06/2015
Thế giới đang bàng hoàng với những vụ tấn công khủng bố liên tiếp ở 3 quốc gia thuộc 3 châu lục.
Bộ trưởng Nội vụ Kuwait ngày 26-6 cho biết một số nghi can đã bị bắt giữ để thẩm vấn sau vụ đánh bom liều chết kinh hoàng làm 27 người thiệt mạng và 227 người bị thương tại một đền thờ của người Hồi giáo dòng Shiite ở thủ đô Kuwaiti cùng ngày. Đây là vụ tấn công liều chết kinh hoàng nhất trong lịch sử Kuwait nhằm vào các đền thờ Shiite ở vương quốc nhiều dầu mỏ này. Vụ tấn công xảy ra khi khoảng 2.000 người đang cầu nguyện bên trong đền nhân dịp tháng lễ ăn kiêng Ramadan. Vụ tấn công cũng làm trụ sở Bộ Nội vụ nằm sát vách đền bị hư hại. Nội các Kuwait đã tổ chức họp khẩn và đề nghị đặt tất cả các cơ quan an ninh cùng lực lượng cảnh sát vào tình trạng báo động cao để sẵn sàng đương đầu với nạn "khủng bố đen". Nội các cũng quyết định lấy ngày 27-6 để tang các nạn nhân xấu số. Lễ chôn cất nạn nhân sẽ được tổ chức ngày 1-7.
Cảnh sát Pháp phong tỏa khu vực xảy ra vụ chặt đầu ở nhà máy gas tại Saint-Quentin-Fallavier. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Còn tại Pháp, theo AFP, một kẻ mang lá cờ Hồi giáo cực đoan đã thực hiện cuộc tấn công vào một nhà máy sản xuất khí gas tại Saint-Quentin-Fallavier, gần Grenoble, miền Đông nước Pháp, làm ít nhất một người chết và khoảng 10 người bị thương. Vụ tấn công xảy ra gần 6 tháng sau vụ những kẻ Hồi giáo cực đoan tấn công vào tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo, cùng vụ bắt cóc ở ngoại ô thủ đô Paris hồi tháng 1 khiến 17 người thiệt mạng.
Cộng đồng quốc tế đã lên án hành động khủng bố man rợ, trong khi nhiều nước kêu gọi, cam kết tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon ngày 26-6 đã kịch liệt lên án các vụ tấn công “kinh hoàng” diễn ra cùng ngày ở Pháp, Kuwait và Tunisia. Đồng thời, ông cho rằng những kẻ gây ra các vụ tấn công này sẽ phải đối mặt với công lý. Cùng ngày, Nhà Trắng cũng lên án “những vụ tấn công tàn bạo” trong ngày 26-6 tại 3 quốc gia trên, đồng thời bày tỏ sự đoàn kết với những nước này và những nỗ lực để “đấu tranh chống hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố”. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Jorge Fernandez Diaz cho biết nước này đã nâng mức cảnh báo khủng bố từ trung bình lên mức cao sau các vụ tấn công đẫm máu ở Pháp, Kuwait và Tunisia xảy ra trước đó cùng ngày.
Lo ngại về nguy cơ tấn công khủng bố cực đoan, Italia đã nâng báo động chống khủng bố lên mức cao nhất. An ninh đã được thắt chặt ở thủ đô Rome khi các lực lượng quân đội và cảnh sát tăng cường bảo vệ đại sứ quán các nước đồng minh và Tòa thánh Vatican, cũng như các thành phố lớn khác như Milan hay Turin. Bộ trưởng Nội vụ Italia Angelino Alfano khẳng định, các lực lượng chống khủng bố đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ban bố cấp độ cảnh báo an ninh cao nhất tại khu vực quanh nhà máy hóa chất ở Lyon, nơi xảy ra vụ tấn công, với thời hạn kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 26-6. Đại sứ quán Pháp tại Tunisia hối thúc các công dân nước này thận trọng và hạn chế đi lại, tránh tụ tập. Bộ trưởng Di cư Israel Zeev Elkin cảnh báo người Pháp theo đạo Do Thái nên quay về Israel để tránh hậu quả từ tình trạng bài Do Thái cũng như chủ nghĩa khủng bố đang tăng cao trên thế giới.
Lực lượng an ninh Tunisia làm nhiệm vụ tại khu vực xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 27-6. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi khẳng định các nhóm khủng bố là mối đe dọa chung, các nước trong khu vực và thế giới cần nghiêm túc phối hợp ngăn chặn. Sáu quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), mà Kuwait là thành viên, cho rằng vụ tấn công là âm mưu phá hoại sự thống nhất dân tộc và ổn định của các quốc gia thành viên. Ai Cập, Jordan, Qatar, Nga và Tây Ban Nha cũng lên án vụ tấn công kinh hoàng này. Nhà Trắng ra thông báo bày tỏ đoàn kết với Pháp, Kuwait và Tunisia, đồng thời đề nghị cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho ba nước này. Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman đã mô tả IS là một khối “ung thư” và kêu gọi tập hợp nỗ lực để tiêu diệt tổ chức này…
Báo LeFigaro thì cho rằng, cuộc tấn công vào nhà máy hóa chất là một phép thử đối với Tổng thống Francois Hollande và các cộng sự của ông, đồng thời là một sự thất bại của các cơ quan an ninh, tình báo Pháp bởi nghi phạm Yassin Salhi đã được cơ quan tình báo Pháp lập hồ sơ đưa hắn vào “loại S”- có liên hệ với phái Hồi giáo Salafist từ năm 2006.
H.T (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc