Multimedia Đọc Báo in

Đảng Syriza của nhà lãnh đạo Alexis Tsipras thắng cử ở Hy Lạp

17:16, 22/09/2015
Kết quả chính thức cho thấy, đảng cánh tả Syriza của nhà lãnh đạo Alexis Tsipras đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn ở Hy Lạp vào ngày 20-9 với 35,54% phiếu bầu so với 28,07% mà đảng đối lập Dân chủ Mới bảo thủ giành được.
 
Ngay sau khi kết quả chính thức được công bố, ông Alexis đã xác nhận thông tin Syriza sẽ một lần nữa liên minh với đảng Người Hy Lạp Độc lập (ANEL) theo chủ nghĩa dân tộc. Cũng theo các kết quả chính thức, đảng Bình minh Vàng theo chủ nghĩa phátxít mới lại về thứ ba với 7,09% phiếu bầu, tiếp sau là đảng Xã hội Pasok với 6,42% số phiếu. Đảng To Potami theo đường lối trung dung chỉ giành được 3,94% số phiếu trong khi đảng nhỏ chống tham nhũng Liên minh Trung dung giành được hơn 3% phiếu bầu và lần đầu tiên có chân trong Nghị viện.
 
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) ngày 21-9 đã chúc mừng cựu Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sau khi đảng cánh tả Syriza do ông lãnh đạo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn tại nước này, giúp ông quay trở lại vị trí lãnh đạo chính phủ. 
Cựu Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở thủ đô Athens ngày 20-9. (Nguồn: Reuters/TTXVN)
Cựu Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở thủ đô Athens ngày 20-9. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Uỷ ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas cho biết EC chúc mừng và hoan nghênh chiến thắng của ông Tsipras. Ông Schinas nhấn mạnh trong nhiệm kỳ trước của cựu Thủ tướng Tsipras, Hy Lạp đã mạnh dạn cam kết thực hiện chương trình cải cách đầy tham vọng nhằm khôi phục kinh tế đất nước và kết quả bầu cử mới này sẽ cho phép ban lãnh đạo Athens tiếp tục theo đuổi lộ trình cải cách đã đề ra. 

Dự kiến trong vài tháng tới, "bộ ba" chủ nợ của Hy Lạp gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có cuộc đánh giá đầu tiên về những bước đi ban đầu của Hy Lạp để xem xét giải ngân một phần khoản cứu trợ mới đã thỏa thuận trị giá 86 tỷ euro (tương đương 97 tỷ USD).
 
Các nhà lãnh đạo EU như Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng đã gửi lời chúc mừng chiến thắng của ông Tsipras. Hai quan chức này bày tỏ hy vọng cuộc bầu cử vừa qua sẽ mang lại sự ổn định chính trị cần thiết để giúp Athens đối mặt với tất cả mọi thách thức hiện nay, đặc biệt là các vấn đề về khủng hoảng người di cư, tạo việc làm và sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Lãnh đạo châu Âu tin tưởng ông Tsipras thực hiện thành công chương trình cải cách kinh tế, giúp Xứ sở thần thoại tạo bước đột phá trong phục hồi kinh tế đất nước.
 
Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng là các nhà lãnh đạo đầu tiên ở châu Âu chúc mừng thắng lợi của ông Tsipras. Thủ tướng Merkel tuyên bố Đức sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với chính phủ mới của Hy Lạp về vấn đề nợ cũng như cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
 
Trong khi đó, Trung Quốc cũng bày tỏ hoan nghênh và chúc mừng chiến thắng của đảng cánh tả Syriza do ông Alexis Tsipras dẫn đầu trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vừa qua, đồng thời thể hiện sự sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh Trung Quốc coi trọng các mối quan hệ với Hy Lạp, đồng thời sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới.
 
Trước đó, vào ngày 20-8, ông Tsipras đã từ chức Thủ tướng và kêu gọi tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Việc Thủ tướng Tsipras từ chức và kêu gọi bầu cử sớm được coi là bước đi có chủ định của ông giữa lúc nhiều nghị sĩ thuộc đảng Syriza phản đối gói cứu trợ quốc tế mới dành cho Hy Lạp vì gói cứu trợ này kèm theo rất nhiều điều khoản yêu cầu Athens phải thực hiện các cải cách mang tính khắc khổ. Ông Tsipras muốn cuộc bầu cử diễn ra càng sớm càng tốt để có thể tranh thủ sự ủng hộ hiện nay của các cử tri trước khi tiến hành giai đoạn cải cách tiếp theo vì khi đó các biện pháp như cắt giảm lương hưu, nâng thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân.
 
"Canh bạc của ông Alexis Tsipras đã thành công", đó là nhận định chung của nhiều nhà phân tích, trong bối cảnh ông đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Trong 7 tháng cầm quyền ngắn ngủi trước đó, ông Tsipras đã nỗ lực đưa Hy Lạp chống lại các yêu cầu của chủ nợ nhằm tìm kiếm một thỏa thuận có lợi hơn cho người dân nước này, nhưng cuối cùng ông đã phải thất hứa với đông đảo cử tri, chấp nhận các yêu cầu khắt khe của các chủ nợ quốc tế để Hy Lạp thoát khỏi vỡ nợ và tránh được nguy cơ ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.
 
Kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua cho thấy nhiều người dân Hy Lạp vẫn tin tưởng vào sự lựa chọn của ông Tsipras. Rõ ràng, ngay cả khi nhà lãnh đạo này đã "bội ước", nhiều cử tri vẫn tin rằng những điều ông làm rất trung thực và hoàn toàn vì lợi ích của người dân - điều mà họ không tìm thấy ở những nhà lãnh đạo tiền nhiệm, những người bị cho là mục ruỗng vì tham nhũng và tư lợi cá nhân. Với thắng lợi vừa giành được, ông Tsipras sẽ trở lại ghế thủ tướng với một vị thế mạnh hơn mà không vấp phải sự phản đối của các thành viên đảng Syriza chống lại thỏa thuận mà ông đã ký với các chủ nợ. 
 
Tuy nhiên, chặng đường phía trước sẽ còn rất gian nan khi Hy Lạp phải thực hiện những cải cách khắt khe, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Lương hưu bị cắt giảm, thuế dịch vụ, thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp sẽ tăng lên, kèm theo đó là thêm nhiều người sẽ mất việc làm.
 
Theo kế hoạch, ông Tsiprat sẽ phải bổ nhiệm các thành viên chính phủ mới trong 2 ngày tới. Trọng trách của cơ quan hành pháp mới này là thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng và những cải cách mà nước này đã cam kết để nhận được gói cứu trợ quốc tế thứ 3 trị giá 86 tỷ euro. Nhiệm vụ hàng đầu và cũng được xem là quan trọng nhất đối với ông Tsiprat là đàm phán về việc giảm nợ cho Hy Lạp. Một thành viên đảng Syriza của ông Tsiprat khẳng định, để tăng cường lợi thế trong các cuộc đàm phán với châu Âu, Thủ tướng sẽ phải tìm kiếm sự thỏa hiệp với các đảng khác, chứ không riêng gì đảng cánh hữu “Những người Hy Lạp độc lập” mới đây tuyên bố sẽ thành lập liên minh với Syriza. 
 
Chính phủ Hy Lạp muốn Liên minh châu Âu giảm nợ, tính đến hết tháng 4 vừa qua là hơn 300 tỷ euro, tức là chiếm tới gần 170% GDP của nước này, trong đó 197 tỷ euro là của các đối tác trong khu vực đồng tiền chung Âu. Tuy nhiên, Đức lại tỏ ra khá cứng rắn trong vấn đề này khi từ chối việc xóa nợ cho Hy Lạp. Câu hỏi đặt ra là liệu sự ra đi của những thành viên chống đối trong đảng Syriza chủ trương không trả nợ hoặc muốn quay lại sử dụng đồng drachma có khiến các cuộc đàm phán trở nên dễ dàng hơn hay không?
 
Một hội đồng quốc gia về chính sách châu Âu, gồm các thành viên thuộc nhiều đảng phái của Hy Lạp dự kiến sẽ được thành lập, với nhiệm vụ cố vấn cho Bộ trưởng Tài chính.   
Cựu thủ tướng Hy Lạp, ông Alexis Tsipras vui mừng sau chiến thắng cuộc bầu cử. (Ảnh: Reuters)
Cựu thủ tướng Hy Lạp, ông Alexis Tsipras vui mừng sau chiến thắng cuộc bầu cử. (Ảnh: Reuters)

Có thể thấy, chương trình làm việc với Thủ tướng Tsiprat không hề nhẹ nhàng. Trong lễ ký thỏa thuận về gói cứu trợ thứ 3 hồi tháng 7 vừa qua, Chính phủ Hy Lạp đặc biệt đã cam kết điều chỉnh ngân sách tăng thuế và cải cách lương hưu. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những điều chỉnh này sẽ rất khó thực hiện tại một xã hội Hy Lạp đã quá mệt mỏi sau nhiều năm thắt lưng buộc bụng.

Với khoản giải ngân đầu tiên 23 tỷ euro vừa có được hồi tháng trước, Hy Lạp đã kịp trả được khoản nợ đến hạn 3,5 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và tái cấp vốn cho các ngân hàng đang cạn kiệt tiền mặt. Dù thừa nhận gói cứu trợ mới không phải là "liều thuốc thần kỳ", nhưng theo nhà lãnh đạo 41 tuổi này, nó sẽ giúp Hy Lạp giảm được nợ công, đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa, cải thiện mối quan hệ lao động và đặc biệt giải quyết những khoản nợ đọng của các ngân hàng.
 
Từ nay đến cuối năm, Chính phủ Hy Lạp sẽ phải bãi bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm soát vốn được áp đặt từ hồi tháng 6 vừa qua khi người dân ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng, đồng thời phải hoàn tất các thủ tục về tái cấp vốn cho các ngân hàng. Ngoài ra, chính phủ mới cũng sẽ phải đối phó với mối lo ngại mới từ dòng người di cư đang tràn vào Hy Lạp. Ở biên giới phía Đông của EU, Hy Lạp là cửa ngõ chính cho hàng trăm nghìn người di cư tiến vào Liên minh châu Âu. Khủng hoảng kinh tế và gánh nặng của dòng người di đổ vào nước này chắc chắn sẽ gây ra những sức ép rất lớn đối với ông Tsipas. Chính phủ trước đó của ông Tsiprat từng phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích cho rằng đã không hành động trước cuộc khủng hoảng này. Theo Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 124 nghìn người nhập cư tới Hy Lạp bằng đường biển, cao hơn 750% so với cả năm ngoái. Cuộc khủng hoảng tị nạn đã gây tác động mạnh tới nền kinh tế vốn đã kiệt quệ của Hy Lạp. Trong bối cảnh, các trại tị nạn tạm thời đã được dựng lên ở thủ đô Athens, chính phủ lâm thời Hy Lạp hồi giữa tuần qua tuyên bố xây dựng thêm 2 trung tâm tiếp nhận mới ở Lavrio, phía Nam thủ đô Athens và Thessalonique. Những trung tâm tiếp nhận này có khả năng đón tới 1.200 người.
 
Sau cuộc bầu cử ngày 20-9, người dân Hy Lạp dường như đã kiệt sức bởi đây là cuộc bầu cử thứ ba chỉ trong vòng một năm qua và là cuộc bầu cử thứ 5 kể từ năm 2010 khi “căn bệnh” nợ công bắt đầu phát tác. Ông Tsipras từng nhấn mạnh cuộc bầu cử lần này là cơ hội để truyền tải một “thông điệp quan trọng” đến châu Âu rằng người dân Hy Lạp phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và chống lại sự thao túng của những nước giàu có.
 
H.T (Tổng hợp từ Vietnam+, VOV)
 
 
 

Ý kiến bạn đọc


Trang trọng lễ đón hài cốt liệt sĩ từ Campuchia về nước
Ngày 22/5, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk trang trọng tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu, an táng 27 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia