Multimedia Đọc Báo in

Bất ổn chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ: Thủ tướng tuyên bố từ chức

11:03, 06/05/2016

Theo AP, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 5-5 đã tuyên bố từ chức, mở đường cho Tổng thống nước này Recept Tayyip Erdogan tiếp tục kiểm soát quyền lực chặt chẽ hơn.

Phát biểu trước toàn quốc, ông Davutoglu nói: “Tôi đã quyết định vì sự đoàn kết của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, việc thay đổi chủ tịch đảng này sẽ phù hợp hơn. Tôi sẽ không tính tới việc tranh cử (chức Chủ tịch AKP) trong đại hội đảng dự kiến diễn ra vào ngày 22-5 tới".

Kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và kênh truyền hình NTV đưa tin cuộc họp ủy ban điều hành AKP, diễn ra sau cuộc gặp giữa ông Davutoglu và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, đã quyết định tổ chức đại hội đảng vào ngày 22-5 để bầu chọn một nhà lãnh đạo mới, người mà theo điều lệ đảng quy định cũng sẽ đảm nhận cương vị Thủ tướng.

Trước đó, theo Reuters, phát biểu trong cuộc phỏng vấn được đài NTV phát sóng trực tiếp, Cố vấn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cemil Ertem cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và nền kinh tế nước này sẽ ổn định hơn khi một thủ tướng liên minh chặt chẽ hơn với Tổng thống Tayyip Erdogan, lên nắm quyền.

Nguyên nhân ông Davutoglu buộc phải rút lui được cho là bởi dưới bàn tay chèo lái của mình, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa đất nước chìm sâu vào bất ổn chính trị, bên cạnh đó là quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với Tổng thống Tayyip Erdogan.

Theo nhận định của giới quan sát, sự ra đi của Thủ tướng Davutoglu là hệ quả tất yếu bởi khi Tổng thống Erdogan chủ trương thâu tóm thêm quyền lực cho mình, đương nhiên người bị thu hẹp quyền lực nhiều nhất không ai khác chính là Thủ tướng Ahmet Davutoglu.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ​(Nguồn: Timesofisrael.com)
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ​(Nguồn: Timesofisrael.com)

Hồi đầu tuần này Thủ tướng Ahmet Davutoglu đã bị tước quyền bổ nhiệm quan chức cấp tỉnh của đảng AKP và quyền này ngay lập tức đã được chuyển cho Tổng thống Tayyip Erdogan. Việc ông Davutoglu phải rút lui có thể sẽ mở đường cho ông Erdogan thực hiện tham vọng sửa đổi Hiến pháp, giành thêm quyền lực cho Tổng thống trước khi một Thủ tướng mới được bầu ra.

Ba nguồn tin thân cận với Tổng thống cho biết, những ứng cử viên tiềm năng có thể được lựa chọn thay thế ông Davutoglu bao gồm: người phát ngôn của Chính phủ Numan Kurtulmus, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Bekir Bozdağ, Bộ trưởng Giao thông Binali Yildirim và Bộ trưởng Năng lượng Berat Albayrak.

Giới quan sát cho rằng, ngoài chuyện ảnh hưởng quan hệ quốc tế, rạn nứt trong giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc chiến mà nước này đang tiến hành tại khu vực miền Nam nơi người Kurd sinh sống.

Từ đầu năm đến nay, nhiều chỉ trích trong công tác điều hành chính phủ của Thủ tướng Ahmet Davutoglu đã được phe đối lập triệt để khai thác, đặc biệt vào ngày 4-5, thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ đã có phiên giảm điểm sâu nhất trong 5 tháng qua.

Sự bất ổn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh châu Âu đang cần Ankara kiềm chế dòng người di cư từ Trung Đông, còn Mỹ thì cần Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq.

Hà Dương (Theo VOV, TTXVN)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.