Multimedia Đọc Báo in

Tổng thống Trump tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên

18:21, 02/05/2017

Ngày 1-5, trong một động thái đầy bất ngờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu như các điều kiện cho phép. 

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tình hình Bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang căng thẳng liên quan tới các hoạt động hạt nhân và thử tên lửa của Bình Nhưỡng, cũng như những động thái quân sự của Mỹ trong khu vực. 

Trả lời phỏng vấn độc quyền với hãng tin Bloomberg, Tổng thống Trump nêu rõ: “Nếu điều kiện phù hợp, tôi đương nhiên sẽ gặp ông ấy (nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un). Tôi lấy làm vinh dự về điều đó”.

Một tên lửa đạn đạo được phóng thử trong cuộc tập trận của đơn vị pháo binh Hwasong thuộc Lực lượng chiến lược Quân đội Nhân dân Triều Tiên. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Một tên lửa đạn đạo được phóng thử trong cuộc tập trận của đơn vị pháo binh Hwasong thuộc Lực lượng chiến lược Quân đội Nhân dân Triều Tiên. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ông Trump cho rằng hầu hết các chính trị gia đều không bao giờ tuyên bố như vậy, song ông khẳng định vẫn để ngỏ khả năng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu như thấy thích hợp. 

Tuyên bố đầy bất ngờ của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Triều Tiên với Mỹ cùng các đồng minh của Washington tại châu Á.

Kể từ sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump khẳng định ông sẽ không bao giờ cho phép Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công nước Mỹ. Trong khi đó, Bình Nhưỡng coi các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực là "hành động tống tiền và ra tối hậu thư” đối với Triều Tiên.

Căng thẳng đặc biệt leo thang trong vài tuần qua khi Triều Tiên đẩy mạnh các hoạt động thử tên lửa và dọa sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 trong vòng một thập kỷ qua. 

Ngày 2-5, Triều Tiên cáo buộc Mỹ đã cho máy bay ném bom chiến lược B-1B thực hiện nhiều chuyến bay tại khu vực Bán đảo Triều Tiên hôm 1-5 trong một hoạt động tập ném bom hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh Mỹ phải chịu lên án vì đã làm gia tăng tình trạng căng thẳng tại đây.

Một bài viết của Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) được trích dẫn có đoạn nêu rõ các máy bay B-1B xuất phát từ Guam đã lén lút bay trên bầu trời vùng biển phía Đông và tham gia các hoạt động chung với các phương tiện tấn công chiến lược, trong đó có cả chiếc tàu sân bay và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hiện chưa thể xác minh lời cáo buộc của Triều Tiên có chính xác không do Hàn Quốc và Mỹ chưa đưa ra thông tin liên quan. Bản tin của KCNA còn nhấn mạnh: "Nắm trong tay thanh bảo kiếm là các loại vũ khí hạt nhân, chúng ta đang theo dõi chặt chẽ các động thái quân sự của kẻ thù với sự sẵn sàng chiến đấu cao độ".

Theo Tân hoa xã, ngày 1-5, Triều Tiên cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên là nguy hiểm nhất trong nửa thế kỷ qua, kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. 

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng, mặc dù cuộc đối đầu giữa Triều Tiên và Mỹ đã kết thúc từ lâu, song "sự hiếu chiến của Mỹ chưa bao giờ lên tới đỉnh điểm như vậy và tình hình trên Bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ tiến gần hơn tới bờ vực chiến tranh như trong thời gian diễn ra cuộc tập trận chung (Mỹ-Hàn) gần đây". 

Cũng theo quan chức này, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên một lần nữa chứng minh rằng Mỹ là "trùm gây hấn" và "chuyên quấy rối hòa bình, đồng thời là kẻ làm leo thang căng thẳng". Ông nhấn mạnh, Triều Tiên "đúng và khôn ngoan khi lựa chọn việc tăng cường khả năng răn đe hạt nhân quyền lực để phòng vệ".

Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận chung từ đầu tháng 3 vừa qua. Lầu Năm Góc đã triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, đồng thời mới điều nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson tới vùng biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đang cân nhắc tất cả các lựa chọn để giải quyết vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã tạo ra đồn đoán rằng Mỹ có thể tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên bất cứ lúc nào.

Ông Kim Jong-un chưa từng gặp bất kỳ nhà lãnh đạo nước ngoài nào kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2011 và cũng chưa từng rời khỏi Triều Tiên. 

Cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright là quan chức cấp cao gần đây nhất của Mỹ gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đó là cuộc gặp giữa bà Albright và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il vào năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Những diễn biến trong vấn đề Triều Tiên thời gian gần đây đang khiến người ta so sánh chính sách Triều Tiên của ông Trump khác gì so với ông Obama.

Về cơ bản, chính sách của chính quyền Tổng thống Trump không có gì đột phá bởi lựa chọn giải quyết vấn đề Triều Tiên không có nhiều.

Các binh sỹ Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận Đại bàng non cùng binh sỹ Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các binh sĩ Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận Đại bàng non cùng binh sỹ Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã một lần nữa lên tiếng cho rằng, thời kỳ áp dụng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên vốn được chính quyền tiền nhiệm của ông Obama thông qua đã kết thúc. Tuy nhiên, những gì mà ông Tillerson mô tả về “một chính sách mới” mà chính quyền Tổng thống Trump áp dụng với Triều Tiên có vẻ như chỉ là “bình mới rượu cũ”.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, Washington sẽ không bị cuốn vào những cuộc đàm phán sáo rỗng với Bình Nhưỡng. Thay vào đó, “Triều Tiên phải có những bước đi cụ thể để giảm bớt các mối đe dọa đặt ra với Mỹ và các đồng minh liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân bất hợp pháp của nước này. Đây là điều kiện tiên quyết trước khi Mỹ có thể cân nhắc đàm phán”. Trong khi chờ đợi, chính quyền Mỹ sẽ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên.

Chính sách “kiên nhẫn chiến lược” mà Ngoại trưởng Tillerson đề cập ở trên có nội dung chính đó là chờ đợi Triều Tiên tự cam kết từ bỏ chương trình phát triển đầu đạn hạt nhân và tên lửa, đồng thời hối thúc Trung Quốc gây sức ép buộc Triều Tiên làm điều này.

Chính sách này đã được chính quyền Tổng thống Obama áp dụng nhưng không mang lại hiệu quả. Triều Tiên vẫn tiếp tục xây dựng kho vũ khí của mình trong khi Trung Quốc luôn lảng tránh việc gây sức ép với Triều Tiên, thậm chí Bắc Kinh hầu như không ủng hộ những lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với Bình Nhưỡng. Trung Quốc cho rằng, Mỹ phải giải quyết vấn đề thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên.

Thật ra, không phải lỗi ở chính quyền Tổng thống Trump khi theo đuổi một chính sách không có gì mới so với những gì chính quyền Obama đã làm với Triều Tiên. Phải thừa nhận một thực tế đó là lựa chọn để ông Trump có thể đối phó với một Triều Tiên đầy bí ẩn, không thể đoán định chỉ có thể dẫn tới hậu quả từ “xấu” đến “thực sự khủng khiếp”. Những nỗ lực đàm phán trước đây dường như không thu được bất kỳ kết quả nào đáng khích lệ và cho tới nay, bài toán Triều Tiên vẫn chưa thể tìm ra lời giải. Tuy vậy, nếu Mỹ quyết định “động binh” thì điều đó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tàn phá trên bán đảo Triều Tiên mà kết quả rõ ràng là không có lợi cho tất cả các bên liên quan.

Hồng Như (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.