Multimedia Đọc Báo in

5 dấu hiệu sức khỏe thể hiện qua đôi tay

09:16, 13/04/2012

Tạp chí y học Health MNS (Mỹ) vừa cập nhật nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu y khoa quốc gia về đôi bàn tay con người và phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường trên đôi tay chính là các dấu hiệu cảnh báo bệnh tật, trong đó 5 dấu hiệu dưới đây cần lưu ý.

1. Vệt đỏ trong lòng bàn tay

Thông thường, vệt đỏ trong lòng bàn tay là do cầm nắm vật gì đó quá chặt, như cầm cuốc, cầm xẻng hay tì lâu vào ghi đông xe..., nhưng nếu bỏ các vật này ra vệt đỏ không biến mất và tồn tại trong thời gian dài thì rất có thể là dấu hiệu của bệnh gan, nhất là xơ gan, gan nhiễm mỡ không do rượu. Riêng những người đang mang thai thì có tới trên 50% có hiện tượng trên nhưng không phải mắc bệnh về gan. Nguyên nhân của hiện tượng này là do khi gan có vấn đề, nó không thể lọc được các chất thải ra ngoài một cách triệt để, gây thừa hormone tuần hoàn làm cho các mạch máu nổi lên, kể cả bàn chân và phát sinh hiện tượng nói trên.

   Để khắc phục, nên đi khám, kiểm tra sức khỏe về gan, ngoài ra có thể khám các dấu hiệu khác như xưng chân, xưng bụng, tĩnh mạch nổi trên các bộ phận của cơ thể kèm theo mệt mỏi. Nên xét nghiệm các thông số chức năng gan, số lượng bilirubin và enzyme có trong gan.

2. Ngón tay dài

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí thấp khớp của Mỹ Arthritis and Rheumatison số ra gần đây, những người có ngón tay dài bất thường là dấu hiệu sức khỏe không bình thường. Thông thường, ở đàn ông, ngón đeo nhẫn dài hơn ngón trỏ, còn ở phụ nữ thì ngược lại, nhưng nếu phụ nữ có “tính cách đàn ông”, ngón đeo nhẫn dài hơn ngón tay trỏ, thì đây chính là dấu hiệu của bệnh xương khớp, khả năng mắc  bệnh cao 2 lần so với những người phụ nữ có các ngón tay bình thường. Qua nghiên cứu bệnh thấp khớp, các nhà khoa học phát hiện thấy cả đàn ông lẫn đàn bà nếu có ngón đeo nhẫn dài thì rủi ro mắc bệnh viêm xương khớp cao. Những người có ngón tay trỏ dài hơn ngón đeo nhẫn có rủi ro mắc bệnh ung thư vú cao (ở phụ nữ) và ung thư tiền liệt tuyến (ở đàn ông). Theo nghiên cứu khác công bố cuối năm 2010, những người đàn ông có ngón trỏ dài hơn ngón đeo nhẫn thì có tỷ lệ mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến cao tới 33% so với những người bình thường.

Về nguyên nhân của hiện tượng trên đến nay khoa học vẫn chưa lý giải được, song người ta tin rằng hiện tượng ngón tay dài là do tác động bởi nhiều loại hormone, đặc biệt là testosterone và estrogen khi còn nằm trong bụng mẹ. Trong đó, ngón đeo nhẫn dài hơn ngón trỏ là do phơi nhiễm môi trường testosterone thai kỳ, ngược lại, ngón trỏ dài là kết quả của phơi nhiễm estrogen. Do ung thư vú có liên quan đến estrogen, còn testosterone liên quan đến bệnh ung thư tuyến tiền liệt nên hiện tượng ngón tay trỏ ở cả hai giới dài là điều dễ hiểu và có cơ sở về mặt khoa học.

Với nghiên cứu trên, giới chuyên môn khuyến cáo, một khi phát hiện thấy hiện tượng này mọi người  nên đi tư vấn, khám định kỳ.Nếu cần có thể  làm các xét nghiệm theo khuyến cáo. Mặc dù giới y học đang tranh luận về hiện tượng ngón tay dài bất thường liên quan tới bệnh ung thư, song các nhà khoa học đều nhất trí cho rằng đây là dấu hiệu ban đầu giúp con người nhận biết nhanh nguy cơ mắc bệnh để có biện pháp can thiệp kịp thời.

3. Sưng ngón tay

Trường hợp khi xuống máy bay ngón tay bị sưng là do thay đổi môi trường đột ngột hoặc hiện tượng hành kinh ở phụ nữ, hay ăn quá mặn ngón tay cũng bị sưng. Nhưng nếu đau cứng và sau nhiều ngày uống nước, giảm ăn muối mà ngón tay không khỏi sưng thì rất có thể là mắc bệnh suy giáp. Lý do, khi tuyến giáp hoạt động kém, nó sẽ sản xuất ra ít hormone trao đổi chất hơn và cho các chức năng của cơ thể thực hiện không đúng. Khi quá trình chuyển hóa bị suy giảm xuất hiện tình trạng tăng cân, tích nước. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là nước tích trong các ngón tay, gây đau đớn, khó co duỗi. Khi xuất hiện các dấu hiệu này nên đi khám tuyến giáp, thử hormone kích thích tuyến giáp hay còn gọi là TSH.  Chỉ số TSH tối ưu từ 0,3 đến 3,0.

4. Móng tay nhợt nhạt

Ở trạng thái bình thường nếu ấn nhẹ lên móng tay sẽ xuất hiện màu trắng, bỏ tay ra móng sẽ trở lại trạng thái màu hồng, nhưng nếu sau vài phút móng tay vẫn nhợt nhạt thì đây là dấu hiệu của hiện tượng thiếu máu. Thiếu máu hoặc thiếu sắt là thủ phạm làm cho cơ thể không đủ các tế bào máu đỏ, làm cho móng tay bị lõm có màu nhợt nhạt. Thiếu sắt có thể gây mệt mỏi và nếu nghiêm trọng có thể gia tăng bệnh tim. Vì vậy khi có hiện tượng này nên tư vấn điều trị sớm, ăn uống đủ chất, nhất là thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, các loại hoa quả thẫm màu, nếu cần có thể uống viên sắt theo đơn bác sĩ và uống kết hợp vitamin C để giúp cơ thể hấp thụ sắt có hiệu quả hơn.

5. Ngón tay có màu xám

Nếu đầu ngón tay có màu xám và luôn cảm thấy tê dại là dấu hiệu mắc bệnh Raynaud hoặc hội chứng Raynaud. Căn bệnh làm co thắt tạm thời các mạch máu và động mạch, giảm lượng máu tuần hoàn đến ngón tay. Ngoài ra, nó còn gây nên hội chứng tê cứng, xanh xám. Theo số liệu thống kê, có khoảng 5-10% dân số thế giới mắc phải căn bệnh này, trong đó tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn, nhất là vùng có khí hậu lạnh và cũng là căn bệnh do stress căng thẳng gây ra.

Những người mắc bệnh trên cần chú ý bảo vệ đôi tay, nhất là đeo găng tay trong điều kiện thay đổi nhiệt độ đột ngột, kể cả khi trời lạnh, ngồi trong xe hoặc trong nhà kín. Không nên lạm dụng đồ uống có chứa chất kích thích, thuốc lá để giúp ngón tay tuần hoàn tốt, tăng cường các bài tập phù hợp nhất là những bài tập trong nhà. Nếu nặng, cần đi khám và điều trị kịp thời.

Khắc Nam (Theo MNS -11-2011)


Ý kiến bạn đọc