Multimedia Đọc Báo in

Phòng tránh cong vẹo cột sống cho học sinh

06:07, 11/04/2012

Cột sống có vai trò hết sức quan trọng trong mọi hoạt động của con người. Nó tạo thành bộ khung nâng đỡ cơ thể, tạo cho con người có dáng đứng thẳng, bảo vệ tủy sống và các cơ quan nội tạng trong cơ thể.

Cột sống có 33 - 34 đốt (7 đốt cổ, 12 đốt lưng, 5 đốt thắt lưng, 5 đốt cùng và 4 - 5 đốt cụt) được nối với nhau bằng các đĩa đệm, khớp và dây chằng. Ở người trưởng thành, chiều dài cột sống của nam giới từ 60 - 75cm, của nữ từ 60 - 65cm, chiếm khoảng 2/5 chiều cao cơ thể.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống, trong đó 90% trường hợp cong vẹo cột sống là không rõ nguyên nhân. Các nhà khoa học đã xác định được một số nguyên nhân gây cong vẹo cột sống là do bệnh cơ, bệnh thần kinh, do những bất thường bẩm sinh của đốt sống và cột sống, do loạn dưỡng xương, do chấn thương…

Cong vẹo cột sống có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là ở nhóm 13-18 tuổi, nữ mắc nhiều hơn nam. Theo các nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tỷ lệ học sinh bị cong vẹo cột sống khá cao. Cong vẹo cột sống ở trường học thường phát sinh do sự sai lệch tư thế (ngồi học với bàn ghế không phù hợp với chiều cao mang cặp sách quá nặng về một bên tay, vai; thiếu ánh sáng, bắt buộc học sinh phải cúi đầu khi đọc, viết hoặc học nghề); do các tư thế xấu (đi, đứng, ngồi không đúng tư thế); cường độ lao động không thích hợp với lứa tuổi… Ngoài ra, cong vẹo cột sống còn có thể do trẻ mắc các bệnh liên quan đến cột sống, thể trạng học sinh kém do ít hoạt động thể thao, suy dinh dưỡng (còi xương) hoặc do ngồi, đi đứng quá sớm. Cong vẹo cột sống gây lệch trọng tâm cơ thể, khiến học sinh ngồi học không được ngay ngắn, gây cản trở cho việc đọc, viết, căng thẳng thị giác và làm trí não kém tập trung. Vì vậy, sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập của học sinh. Cong vẹo cột sống còn ảnh hưởng đến hoạt động của tim, phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của khung chậu, ảnh hưởng đến việc sinh nở của học sinh nữ khi đến tuổi làm mẹ.

Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, bệnh này nếu được điều trị sớm sẽ tốt hơn. Phụ huynh cần quan tâm và phát hiện ngay những dấu hiệu bất thường để đưa con đi khám, điều trị kịp thời: Trẻ bị cong vẹo cột sống nhẹ nhìn bên ngoài có thể khó phát hiện nhưng khi sờ vào gai sau cột sống sẽ thấy cột sống của trẻ không thẳng hàng. Trẻ bị bệnh nặng hơn có thể dễ dàng nhận ra khi nhìn hai bên bả vai sẽ thấy một bên gồ cao, một bên thấp, đặc biệt ở động tác cúi xuống. Những trường hợp nặng sẽ thấy hai vai lệch nhau, ngực một bên nhô, một bên lép. Bệnh sẽ được chẩn đoán chính xác bằng chụp X quang.

Để phòng tránh cong vẹo cột sống cho học sinh, cần thực hiện các biện  pháp sau:

- Sử dụng bàn ghế phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Chiều cao của mặt bàn so với mặt ghế phải để trẻ đặt tay lên bàn thoải mái, không nhô vai lên hay hạ vai xuống. Chiều cao của mặt ghế phải bằng chiều cao của cẳng chân cộng với chiều cao của bàn chân và của dép. Khoảng cách từ lưng đến mép bàn phải lớn hơn đường kính trước sau của lồng ngực 3-5cm để có thể tựa lưng vào ghế. Thông tư Liên tịch 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT quy định rõ 6 cỡ bàn ghế theo 6 nhóm chiều cao của học sinh.

- Lớp học cần có đủ ánh sáng, ánh sáng yếu khiến học sinh phải nhìn sát vở, sách khi đọc và viết hoặc lệch người để nhìn bảng.

-Giáo viên cần hướng dẫn học sinh ngồi ngay ngắn, lưng thẳng tựa vào thành ghế, cẳng tay đặt trên mặt bàn, mắt cách mặt trang sách từ 25-30cm. Ngồi học như thế trọng lượng cơ thể phân phối đều ở các điểm tì tựa, bắp thịt được thư giãn, tuần hoàn và hô hấp thuận lợi, cơ thể thoải mái, trí tuệ tập trung, chất lượng học tập sẽ tốt.

- Phụ huynh cần tạo cho con mình góc học tập với bàn ghế phù hợp theo lứa tuổi từng năm học, đủ ánh sáng nhất là ánh sáng tự nhiên để bảo vệ cột sống đồng thời bảo vệ con mắt cho các em.

- Tránh để trẻ lao động nặng sớm, nhất là gánh, xách hay đội nặng. Tiêm chủng đầy đủ phòng các bệnh theo lịch tiêm chủng quốc gia như bạch hầu, ho gà, bại liệt…để phòng bệnh cho trẻ.

- Bảo đảm chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý theo độ tuổi. Can xi làm cho xương cứng cáp góp phần phòng bệnh gù vẹo cột sống. Ngoài ra, nhiều yếu tố vi lượng khác có trong cá, thịt, rau, củ, quả rất cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh.

- Không nên để trẻ xách cặp hay đeo cặp một bên vai mà nên đeo cặp bằng hai vai sau lưng để tạo sự cân đối hai bên.

- Học sinh cần có ý thức tập thể dục buổi sáng, giữa giờ đúng động tác được hướng dẫn, kết hợp các bài tập thể dục chính khóa để phát triển thể chất và nâng cao sức khỏe của cơ thể và cột sống làm cho cột sống mềm dẻo, vững chắc và có tác dụng chỉnh lại tư thế cong vẹo cột sống.

Hồng Vân 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.