Mẹ ăn mặn con dễ mắc bệnh tim
Tạp chí Dinh dưỡng chuyển hóa và bệnh tim mạch của Mỹ số ra cuối tháng 3-2012 đã đăng tải nghiên cứu do các chuyên gia ở Đại học Y khoa Sao Paulo (USP) Brazil thực hiện cho biết trong khi mang thai, nếu phụ nữ ăn mặn thì đứa trẻ tương lai sẽ dễ mắc bệnh tim, đặc biệt là làm thay đổi cấu trúc tâm thất.
Tiến sĩ J Heimann, người đứng đầu nghiên cứu ở USP nhấn mạnh, qua thử nghiệm trên những con chuột mang thai cho thấy, muối có tác động xấu đến quá trình phát triển tim ngay từ khi chúng còn nằm trong bụng mẹ. Những con chuột mang thai tham gia trong nghiên cứu được ăn theo 3 chế độ, hàm lượng muối thấp (0,15%), trung bình (1,3%) và cao (8%). Sau đó vào cuối giai đoạn mang thai, tức là từ tuần thứ 21 đến 36 được tăng thêm hàm lượng muối thêm 4%, trong khi đó nhóm đối chứng không tăng muối. Sau khi tiến hành kiểm tra cấu trúc tim và đo huyết áp những con chuột con, các nhà khoa học phát hiện thấy tim của nhóm chuột sinh ra từ những con chuột mẹ nhiều muối có kích thước lớn, lớp lót tim ở một số vùng dày hơn, kể cả vách giữa các tâm thất và vách phía sau tâm thất trái. Với kết quả nghiên cứu, nhóm đề tài cho rằng việc giảm ăn muối có tác dụng tích cực cho sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Theo khuyến cáo của WHO và FAO, mỗi ngày một người không nên ăn quá 5 gam muối. Lạm dụng có thể gây bệnh cao huyết áp, tim mạch, ung thư và nhiều vấn đề nan giải cho sức khỏe.
Khắc Nam (Theo FNC - 3/2012)
Ý kiến bạn đọc