Multimedia Đọc Báo in

Biện pháp phòng tránh bệnh nghề nghiệp

07:58, 27/06/2012

Bệnh nghề nghiệp ngày càng được xã hội quan tâm, bởi khi mắc bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động của chính người lao động mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội. Do đó, phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho người lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động và của cả chính bản thân những người lao động.

Trước đây bệnh nghề nghiệp được định nghĩa là bệnh đặc trưng của một nghề, do yếu tố độc hại trong nghề đó tác động thường xuyên và từ từ vào cơ thể người lao động và gây nên bệnh. Theo quy định tại Thông tư 19/2011/TT – BYT của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp thì bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến người lao động.

Những yếu tố nguy cơ gây nên bệnh nghề nghiệp: Trong lao động sản xuất người lao động có thể phải tiếp xúc với những yếu tố ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, những yếu tố này gọi là tác hại nghề nghiệp. Tác hại nghề nghiệp ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau như mệt mỏi, suy nhược, giảm khả năng lao động, phát sinh các bệnh thông thường hoặc gây ra các bệnh nghề nghiệp. Ví dụ nghề rèn, luyện kim yếu tố độc hại là nhiệt độ cao, nghề xay xát cà phê yếu tố độc hại là tiếng ồn, bụi…

Hiện nay nước ta có 28 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và chia thành 5 nhóm

Nhóm 1: Các bệnh bụi phổi và phế quản (Bụi phổi do nhiễm bụi Silic, bụi phổi do nhiễm bụi Amiăng, bụi phổi do nhiễm bụi Bông, viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, hen phế quản nghề nghiệp).

Nhóm 2 : Các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp (Nhiễm độc chì và các hợp chất chì; nhiễm độc Benzen và các đồng đẳng của Benzen, nhiễm độc thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân; nhiễm độc Mangan và các hợp chất của Mangan; nhiễm độc Asen và các chất asen nghề nghiệp; nhiễm độc Nicotin; nhiễm độc hóa chất trừ sâu, nhiễm độc Cacbonmonoxit).

Nhóm 3: Các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý (Bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ; bệnh do tiếng ồn; bệnh rung chuyển nghề nghiệp; bệnh giảm áp nghề nghiệp).

Nhóm 4: Các bệnh da nghề nghiệp (Bệnh sạm da; bệnh loét da, loét vách ngăn mũi, viêm da, chàm do tiếp xúc; bệnh nốt dầu nghề nghiệp; bệnh viêm loét da viêm móng và xung quanh móng nghề nghiệp).

Nhóm 5: Các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp (Bệnh Lao nghề nghiệp; bệnh viêm gan do virut nghề nghiệp; bệnh do Leptospira nghề nghiệp).

Năm 2011 có ba bệnh mới được bổ sung là bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do Cadimi, bệnh HIV/AIDS nghề nghiệp, bệnh rung chuyển toàn thân nghề nghiệp.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Dak Lak hiện có 10 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được nhận chế độ bảo hiểm, tất cả đều do mắc bệnh bụi phổi Silic. Năm 2011, qua kiểm tra định kỳ công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp ở 57 đơn vị tại TP. Buôn Ma Thuột và 3 huyện (Ea Kar, Ea Súp, Cư M’gar), chỉ có 10% đơn vị được kiểm tra thực hiện tốt, 55,3% đơn vị triển khai ở mức trung bình, 31,6% chưa triển khai hoặc triển khai chưa đạt. Qua kết quả kiểm tra cho thấy, chỉ một phần nhỏ các cơ sở lao động, sản xuất có thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động. Số cơ sở thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động là các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp nhà nước, còn các doanh nghiệp nhỏ, tư nhân, lao động nông nghiệp… hầu như không quan tâm đến công tác này.

Tiêu chuẩn để xác định bệnh nghề nghiệp là bệnh “phát sinh do điều kiện lao động có hại”, tức là phải có yếu tố tiếp xúc với các yếu tố tác hại nghề nghiệp, khác với các bệnh thông thường trong cộng đồng. Bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với các hóa chất độc hại (thuốc trừ sâu, chì, thủy ngân), các yếu tố vật lý (ồn, rung…), yếu tố sinh học (vi nấm, vi khuẩn, vi rút). Người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phải được khám bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế. Việc khám bệnh nghề nghiệp do đơn vị y tế chuyên khoa vệ sinh lao động từ cấp tỉnh, thành phố, ngành trở lên thực hiện. Người bị bệnh nghề nghiệp phải được Hội đồng Giám định y khoa tỉnh xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và phải được sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe. Người mắc bệnh nghề nghiệp phải được điều trị theo đúng chuyên khoa, được nghỉ dưỡng và kiểm tra sức khỏe 6 tháng một lần, có hồ sơ riêng theo quy định của Bộ Y tế và được lưu giữ suốt đời.

Để phòng bệnh nghề nghiệp cho người lao động, người sử dụng lao động cần trang bị thiết bị bảo hộ lao động và vệ sinh lao động, tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong điều kiện bảo đảm vệ sinh, không có các yếu tố độc hại, nguy hiểm (sử dụng công nghệ, vật liệu sản xuất sạch, an toàn) hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật như cách ly nguồn độc hại (che chắn bụi, tiếng ồn, sóng vật lý,...), tổ chức khám sức khỏe khi tuyển dụng để bố trí công việc phù hợp và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp để điều trị kịp thời. Quan trọng hơn người lao động cần có ý thức phòng bệnh cho chính mình, không chủ quan, lơ là, ngại sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động.

   Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.