Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống lao trong cộng đồng: Cần sự chung tay của toàn xã hội

17:01, 02/07/2012

Những năm qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng công tác phòng chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt  những kết quả đáng khích lệ: các hoạt động phòng, chống lao được triển khai trên diện rộng, khống chế tình hình dịch tễ bệnh lao, rút ngắn liệu trình điều trị… Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu thanh toán bệnh lao trên địa bàn vào năm 2027, nếu chỉ dựa vào sự nỗ lực của riêng ngành Y tế sẽ rất khó hoàn thành mà cần phải có sự chung tay của toàn xã hội.

Một  bệnh nhân lao  điều trị  tại  Bệnh  viện  Lao  và  bệnh  Phổi  tỉnh.
Một bệnh nhân lao điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.

Một thành tích đáng ghi nhận trong công tác phòng chống lao của tỉnh là Chương trình chống lao Quốc gia được triển khai rộng khắp với 100% dân số được bảo vệ bằng Chương trình hóa trị liệu ngắn ngày với quản lý điều trị có kiểm soát trực tiếp. Bên cạnh đó, công tác phòng chống lao cho vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn được tăng cường; quản lý điều trị tại tuyến y tế cơ  sở được triển khai đều đặn, thường xuyên. Hằng tháng, việc cấp phát thuốc được thực hiện đầy đủ và thuận tiện cho bệnh nhân. Nhờ có đội ngũ y, bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị tương đối đầy đủ, chất lượng phát hiện bệnh ngày càng được nâng cao, nguồn bệnh nhân nghi lao ở tuyến y tế cơ sở cũng được chuyển lên tuyến trên nhiều hơn qua sự hoạt động đồng bộ và có hiệu quả từ tỉnh đến huyện, xã. Hầu hết các bệnh nhân được xét nghiệm, kiểm tra theo đúng quy định và được đánh giá kết quả điều trị chính xác. Đặc biệt, ngành Y tế đã áp dụng phương pháp mới, thuốc mới vào quá trình phát hiện vi khuẩn lao và điều trị bệnh nhân lao. Theo bác sĩ Trần Vinh, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, để hoạt động phòng chống lao của tỉnh ngày càng đạt được hiệu quả cao, bệnh viện đã đưa các loại thuốc mới vào điều trị cho người bệnh, rút ngắn liệu trình điều trị từ 24 tháng xuống còn 8 tháng. Đồng thời, đang triển khai phương pháp mới rút ngắn thời gian phát hiện vi khuẩn lao từ 28 ngày xuống còn 14 ngày. Và trong tương lai không xa, bệnh viện sẽ được trang bị máy phát hiện vi khuẩn lao sau 2 giờ.

Cùng với những thành tích đã đạt được, công tác phòng chống lao trên địa bàn cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trên thực tế, việc phát hiện xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động này còn hạn chế bởi nhiều lý do khác nhau. Đầu tiên là không phải ai cũng biết và hiểu về bệnh lao, thực trạng mắc lao hiện nay nên thường có quan niệm nặng nề về bệnh lao. Kế đến là xã hội vẫn còn kỳ thị với bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh không dám đi khám chữa bệnh hoặc chạy chữa không đúng quy trình. Rồi các cấp các ngành còn xem nhẹ công tác phòng chống lao, tâm lý “khoán trắng” cho ngành y tế… Trong khi đó, người mắc bệnh lao đa số là người nghèo, có thu nhập thấp, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng, chống lao.

Với kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm tham gia công tác phòng, chống lao, bác sĩ Trần Vinh, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh chia sẻ, để thực hiện tốt công tác phòng, chống lao, điều cần thiết nhất là nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh lao, trong đó tập trung vào các hoạt động truyền thông trực tiếp cho cộng đồng dân cư thông qua các buổi họp, sinh hoạt dân. Cũng cùng quan điểm này, bác sĩ Phạm Phú Anh, Giám  đốc Trung tâm Y tế huyện Lak cho rằng, lao là bệnh dễ lây, chỉ cần một người trong gia đình mắc bệnh rất có nguy cơ lây nhiễm cho cả gia đình bởi thói quen dùng chung chén, bát... Do đó, việc truyền thông để người dân hiểu và có ý thức phòng bệnh sẽ góp phần cắt nguồn lây trong cộng đồng và giảm số người mắc mới bệnh lao hằng năm. Nhưng, để truyền thông phòng, chống lao đạt được hiệu quả như mong muốn, vai trò của cộng đồng rất lớn.

Thực tế cho thấy, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hiện nay mỗi năm tỉnh ta chỉ triển khai được một số buổi truyền thông trực tiếp về phòng, chống lao trong cộng đồng, còn lại chủ yếu tập trung vào công tác giám sát, điều trị. Vì thế, việc làm thế nào để thay đổi nhận thức của mọi người dân, kể cả những người ở vùng sâu, vùng xa về phòng, chống lao cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội. Mỗi người đều có ý thức, chủ động phát hiện, phòng chống bệnh lao cho chính mình và mọi người xung quanh thì mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2027 của tỉnh mới có cơ hội trở thành hiện thực.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.