Multimedia Đọc Báo in

Điều trị dứt điểm viêm mũi họng để phòng bệnh viêm xoang

09:09, 04/11/2015
Viêm xoang là một bệnh rất phổ biến, chiếm tỷ lệ khá cao ở những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, bụi bặm. Bệnh rất khó điều trị và cũng dễ bị tái phát, kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu, như: đau đầu, sổ mũi, ngạt mũi… gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Tuy nhiên, viêm xoang có thể phòng ngừa được nếu chúng ta biết rõ về nó.

Ghi nhận tại Khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột) cho thấy lượng bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh viêm xoang ngày càng tăng. Chỉ trong 9 tháng năm 2015, khoa đã tiếp nhận trên 18 nghìn lượt bệnh nhân, trong đó, bệnh viêm xoang có 3,6 nghìn lượt bệnh (chiếm 20%). Thời điểm nắng nóng chuyển sang lạnh, có ngày khoa tiếp nhận khoảng 50 ca bệnh viêm xoang.

Viêm xoang là tình trạng các lỗ thông từ xoang đổ ra hốc mũi bị viêm nhiễm hay phù nề, mủ ứ đọng, gây khó chịu cho người bệnh. Bệnh khởi phát với các triệu chứng: hắt hơi, sổ mũi, đau nhức kéo theo đau đầu, đau tai, đau ngứa họng. Đây chính là nguyên nhân khiến người bệnh dễ lầm tưởng với các bệnh khác nên có tâm lý chủ quan và tự điều trị tại nhà. Điều này cũng lý giải vì sao hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện khám viêm xoang đều đã chuyển thành bệnh mãn tính, rất khó điều trị. Đã 7 năm kể từ ngày được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm xoang, chị Karen Êban, thường trú tại phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) liên tục phải dùng thuốc kháng sinh. Mới đây, chị được bác sĩ phẫu thuật vách ngăn và hút mũi xoang nhưng chỉ được một thời gian viêm xoang lại tái phát. Những cơn đau đầu vật vã, nước mũi màu vàng đặc và sổ mũi nhiều khiến chị khó thở, nhiều đêm liền chị không ngủ được. Chị Karen cho biết: “Tôi bị viêm xoang là do bị viêm mũi họng kéo dài. Nghĩ chỉ là bệnh cảm cúm thông thường nên tôi chủ quan, không điều trị dứt điểm đến khi tình trạng đau đầu, sổ mũi và mệt mỏi tái diễn liên tục thì tôi mới đến bệnh viện điều trị. Kết quả là tôi đã bị viêm xoang mãn tính”.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Nam, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm xoang, nhưng theo điều tra tiền sử người bệnh đến khám tại bệnh viện thì viêm xoang hầu hết xuất phát từ viêm mũi họng kéo dài do không được điều trị dứt điểm nên bệnh chuyển sang giai đoạn viêm xoang mãn tính. Bệnh thường phát triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng. Sau một thời gian, bệnh sẽ biến chứng ở mắt, như: viêm tấy ổ mắt, áp xe ổ mắt, viêm xương sọ, viêm màng não… Tất cả các biến chứng này đều gây nguy hiểm, cách điều trị luôn là phẫu thuật và dùng kháng sinh liều cao, gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe về sau”.

Chẩn đoán bệnh và điều trị bệnh viêm xoang là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh. Bệnh không thể chữa khỏi dứt điểm mà có thể tái đi, tái lại nhiều lần nếu bệnh nhân không tuân thủ nguyên tắc chữa trị và chữa trị một cách triệt để. Do vậy, để ngừa viêm xoang, mọi người cần phòng tránh và điều trị sớm khi bị cảm cúm. Có thể chích ngừa cúm mỗi năm, rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi bắt tay với người khác. Không để tình trạng nghẹt mũi kéo dài, điều trị kịp thời và đúng cách. Luôn luôn giữ ấm trong mùa lạnh, nhất là vùng cổ, ngực và mũi. Dùng khẩu trang khi đi ra ngoài không những giữ ấm được mũi mà còn hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi khuẩn. Sử dụng nước muối để vệ sinh răng miệng vào buổi sáng sau khi thức dậy và mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, rửa mũi để tránh viêm nhiễm. Những người thường mắc các bệnh về tai mũi họng nên hạn chế uống bia rượu vì đó là nguyên nhân gây biến chứng thành viêm xoang mũi do các niêm mạc trong mũi bị sưng nề. Hạn chế tiếp xúc với môi trường có nguy cơ gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp, như: gió, bụi, khói thuốc lá, khói nhang trừ muỗi, khói xe, hơi hóa chất… Nên đến các cơ sở y tế để được khám bệnh ngay khi có dấu hiệu bất thường của viêm xoang. Không tự ý mua thuốc để tránh tình trạng biến chứng theo hướng xấu đi gây nguy hiểm cho bản thân.

Đặc biệt, mỗi người cần phải bảo vệ sức khỏe cho mình bằng cách tạo ra môi trường sống khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Đối với trẻ em thì những yếu tố này càng cần phải được tuân thủ hơn bởi vì sức đề kháng trẻ còn kém, dễ mắc bệnh về đường hô hấp. Khám bệnh định kỳ 6 tháng 1 lần là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.