Phòng ngừa bệnh bạch hầu
Những năm gần đây, tại một số địa phương đã xuất hiện những ổ dịch bạch hầu. Năm 2015, bệnh bạch hầu xảy tại các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại huyện K’bang (tỉnh Gia Lai).
Giữa tháng 7-2016, dịch bệnh bạch hầu xuất hiện tại Bình Phước, đã có nhiều ca mắc, trong đó có 3 ca tử vong. Bệnh bạch hầu có đặc điềm là lây lan của bệnh bạch hầu rất dễ dàng qua đường hô hấp và tiếp xúc. Vì vậy, để khống chế căn bệnh này, chủ yếu vẫn là các biện pháp phòng ngừa.
Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra, bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị bệnh bạch hầu. Thông thường, trẻ từ 1-10 tuổi bị nhiều nhất do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn, khả năng miễn dịch thấp sẽ dễ bị bệnh hơn; người chưa được tiêm chủng phòng bệnh, người bị bệnh mạn tính cũng rất dễ bị bạch hầu tấn công. Dịch bùng phát không theo mùa rõ rệt, chỉ cần có nguồn bệnh là sẽ bị lây nhiễm. Người bệnh khi ho hắt hơi thì vi khuẩn sẽ phát tán ra xung quanh theo đường không khí hoặc tiếp xúc qua da khi bị trầy xước dẫn đến lây lan vi khuẩn bạch hầu. Các triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là gây viêm họng. Vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp màng giả màu trắng do các lớp tế bào bị viêm tạo ra lớp màng bám vào trong vòm họng. Nếu không điều trị thì màng bám sẽ lan ra lấp đường hô hấp gây ngạt thở cho người bệnh. Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn bạch cầu gây ra viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm là do độc tố của vi khuẩn. Độc tố đó sẽ theo máu và tác động lên các cơ quan chính của cơ thể, có thể gây ra viêm tim, viêm thận hoặc tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói có thể thay đổi do bị ngọng thanh quản.
Để phòng bệnh bạch hầu, trẻ em cần được tiêm phòng vắc xin Quinvaxem hoặc DPT đầy đủ, đúng lịch theo quy định (tiêm 3 lần khi mới sinh ra, mỗi lần cách nhau một tháng, nhắc lại sau 1 năm, 5 năm). Giữ gìn nhà ở sạch sẽ, thông thoáng, có đủ ánh sáng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; nếu có dấu hiệu nghi mắc bệnh, cần đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Trần Lan
Ý kiến bạn đọc