Multimedia Đọc Báo in

Cẩn thận với các loại thực phẩm có sử dụng chất vàng ô, lưu huỳnh

08:29, 06/08/2016

Vì lợi nhuận mà nhiều người sản xuất và kinh doanh thực phẩm đã bất chấp những tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng, sẵn sàng sử dụng một số loại hóa chất độc hại vào thực phẩm để làm đẹp màu sắc và chống hư hỏng khi bảo quản. Một trong những hóa chất cực độc đó là chất vàng ô (hay chất Aurmine - là một chất nhuộm vải) và lưu huỳnh.

Những loại hóa chất dùng trong công nghiệp đã được một số người sản xuất, kinh doanh đưa vào thực phẩm, nhằm thu lợi bất chính đã làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người sử dụng. Những thực phẩm như măng, thịt gà, ngó sen, dưa muối, các loại thực quả khô… có nhiều khả năng dễ bị người sản xuất, kinh doanh sử dụng chất vàng ô và lưu huỳnh trong chế biến và bảo quản. Điều đáng nói là hai loại hóa chất này đều bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm vì tính độc hại của nó.

Người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có chứa chất lưu huỳnh công nghiệp có nồng độ cao, lâu dài sẽ gây tổn thương về thần kinh, thay đổi hành vi; ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, ảnh hưởng chức năng sinh sản, hệ miễn dịch, tuyến nội tiết; trường hợp cấp tính thì có biểu hiện ngạt mũi, chảy nước mắt, đau đầu, tức ngực... Nếu sử dụng lưu huỳnh bừa bãi và quá mức cho phép trong thực phẩm sẽ gây suy thận, bệnh phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của não...

Còn chất vàng ô độc hại đến mức Tổ chức Ung thư thế giới IARC đã xếp chất này vào hàng gây ung thư nhóm 3, tức là khả năng gây ung thư cao. Vàng ô là hóa chất có công dụng để nhuộm màu sợi vải hoặc được sử dụng làm nguyên liệu làm ve quét tường trong ngành xây dựng. Chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm vì nó có hại cho sức khỏe của con người. Ngoài tác hại gây ung thư, các thí nghiệm trên chuột còn cho thấy chất Aurmine còn gây hại các tế bào gan, thận và tủy xương. Người tiếp xúc trực tiếp với vàng ô có thể có những triệu chứng như nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và thận; nếu hít phải có thể gây khó thở. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, nếu hấp thụ nhiều chất này có thể bị các chứng kích thích, hiếu động. Sau khi hít vào, nạn nhân sẽ ho, khó thở, thở nhanh, thở khò khè, co thắt phế quản, viêm đường hô hấp. Nếu chất màu đi vào đường tiêu hóa, sẽ gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy…

Để phát hiện và ngăn chặn những hành vi sử dụng chất cấm vào sản xuất, chế biến và kinh doanh các loại thực phẩm, bên cạnh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng thì rất cần sự phát hiện, tố giác của người tiêu dùng, mà trước tiên là kỹ năng phân biệt được các thực phẩm sử có sử dụng hóa chất, trong đó có chất vàng ô và lưu huỳnh công nghiệp để tránh được những rắc rối cho sức khỏe bản thân và gia đình.

Dưới đây là một số cách nhận biết thực phẩm có sử dụng chất vàng ô và lưu huỳnh: Bình thường măng vàng nguyên thủy có màu vàng nhạt, hoặc hơi thâm đen; còn măng hóa chất thì màu vàng đậm, bóng đẹp bắt mắt. Dưa cải muối có chất vàng ô sẽ vàng ươm sáng bóng... Bên cạnh đó việc ngửi mùi cũng có thể phân biệt được, các loại thực phẩm đều có mùi đặc trưng của nó, đa số thơm dễ chịu. Do vậy các loại măng, ngó sen... ngâm với hóa chất sẽ có mùi khác, đặc biệt mùi lưu huỳnh được ngâm để chống mối mọt rất hắc, khó chịu, khét rất khác với mùi tự nhiên. Măng ngâm hóa chất thường giòn, bẻ dễ gãy vụn; còn măng tự nhiên do ngâm muối nên dai hơn, không dễ gãy khi bẻ. Nếu đã được ngâm hóa chất thì rất khó mốc hỏng để hàng tháng cũng không bị biến đổi màu sắc. Nhìn chung những loại thực phẩm sấy khô có sử dụng lưu huỳnh và vàng ô thì có màu vàng rất đẹp nhưng mùi hắc.

Trần Lan


Ý kiến bạn đọc