Multimedia Đọc Báo in

Giã từ thuốc lá: Chỉ cần có quyết tâm

12:13, 17/02/2017

"Khi còn trẻ, sức khỏe tốt, hút thuốc lá chưa xảy ra hậu quả tức thời nên cứ hút, càng hút lại càng nghiện và kéo dài hơn 40 năm thì tôi mới thực sự ân hận vì mình đã hút thuốc lá, mà còn hút quá sớm - khi mới 17 tuổi.

Hậu quả mà từng ngày bản thân tôi đang phải chịu là căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: khó thở, khò khè, tức ngực, ho ra máu và sức khỏe ngày càng giảm sút… Vì thế, tôi đã nhiều lần khuyên các con trai của mình hãy bỏ thuốc lá nhưng chúng vẫn để ngoài tai, tôi không chỉ buồn lòng mà còn rất lo lắng cho sức khỏe của chúng về sau.”- Đó là tâm sự của ông Hoàng Văn Khảo, 60 tuổi ở thôn 12, xã Đắk Rông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

Ông Khảo mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gần 10 năm nay nên Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Đắk Lắk đã trở thành “nhà” của ông vì cứ hết đợt điều trị 20 ngày, đỡ bệnh và xuất viện rồi sau đó lại nhập viện đã trở thành vòng luẩn quẩn của ông Khảo cũng như những bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính.

Thăm khám bệnh nhân tại Bệnh viện  Lao và bệnh Phổi tỉnh.  Ảnh: Đ.Thi
Thăm khám bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh. Ảnh: Đ.Thi

 Bác sĩ CKI Nguyễn Kim Mỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết, có nhiều nghiên cứu khoa học đã khẳng định, thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở 4 bệnh: phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh liên quan đến ung thư (ung thư hầu họng, ung thư thực quản, ung thư phổi), tình trạng xơ vữa mạch máu gây ra đau tim, nhồi máu cơ tim; tai biến mạch máu não. Ngoài ra, thuốc lá còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người hút, như: làm giảm số lượng tinh trùng, giảm hoạt động tinh trùng, liệt dương và có thể gây vô sinh đối với nam giới. Còn đối với phụ nữ, hút thuốc lá làm giảm kích thích tố nữ, gây tắc kinh sớm, gây vô sinh và loãng xương dẫn đến gẫy xương đùi…, nhất là đối với phụ nữ mang thai, hút thuốc lá dễ bị thai ngoài tử cung, sẩy thai do bong nhau, nhau tiền đạo và thai chết lưu hoặc nếu được sinh ra, có nguy cơ sinh non, nhẹ cân, dị dạng, bệnh tim bẩm sinh và khi đứa trẻ lớn lên sẽ kém thông minh, dễ mắc bệnh trầm cảm, ung thư… Tùy theo từng nghề nghiệp, hút thuốc lá càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với công nhân có tiếp xúc với than, silicat hay các loại bụi bông trong dệt may, khai thác mỏ, chế biến nông sản… càng có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản mạn. Đối với những người hút hơn 20 điếu thuốc trong một ngày sẽ bị đục thủy tinh thể mắt gấp 2 lần người không hút, những nếp nhăn trên da sẽ nhiều hơn, sâu hơn, tóc dễ bị bạc, bị rụng hơn, viêm quanh chân răng, giảm sức nghe, dễ loét dạ dày hơn so với những người không hút. Còn đối với những người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá) có nguy cơ bị bệnh mạch vành, ung thư phổi từ 1,2 đến 2 lần so với những người không hít phải khói thuốc. Những đứa trẻ thường xuyên hít phải khói thuốc dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng hầu họng, viêm phổi, viêm phế quản…

Cũng theo bác sĩ Mỹ, để phòng tránh các tác hại do thuốc lá gây ra, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được bằng cách cai thuốc lá, kiên trì với nhiều cách khác nhau như: không hút thuốc ở những nơi công cộng, bỏ hút giảm dần theo số lượng, các biện pháp thay thế nicotin… Việc cai thuốc lá ở bất kỳ tuổi nào, cũng đều có lợi cho sức khỏe, nếu người cai được thuốc lá trước 35 tuổi, chức năng hô hấp có thể trở về bình thường. Nếu hút thuốc dưới 20 năm, đã cai được 10 năm thì nguy cơ ung thư phổi giảm xuống bằng với người không hút. Ngưng hút được một năm, nguy cơ tử vong bệnh mạch vành giảm được ½ và sẽ còn tiếp tục giảm theo thời gian ngưng hút... Bên cạnh đó, để nâng cao thể trạng, cần nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, nhất là tăng cường các dưỡng chất có khả năng chống ung thư có trong các loại rau, củ, quả, ví dụ như tỏi…

Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người ai cũng biết. Song, để từ bỏ thuốc lá, với nhiều người, nhất là những người đã có “thâm niên” hút thuốc không phải là chuyện dễ dàng mà cần phải có sự quyết tâm của bản thân. Chia sẻ về kinh nghiệm cai thuốc của bản thân với tiền sử 40 năm hút thuốc lá, ông Hoàng Văn Khảo bộc bạch: “Cai thuốc lá là một điều rất khó, nhưng đã quyết tâm thì chắc chắn bỏ thuốc sẽ thành công, ban đầu tôi hút thuốc lá từ 1 gói đến 1,5 gói trong một ngày, sau đó tôi giảm xuống từ 1 gói hút trong vòng ba ngày, rồi 3 điếu hút trong một ngày và 1 điếu trong một ngày, cuối cùng là bỏ hút hoàn toàn. Và khoảng hơn một năm sau tôi đã bỏ hút thuốc lá thành công”. Lời chia sẻ của ông Khảo cũng là một kinh nghiệm để những ai đã và đang có ý định từ bỏ hút thuốc tham khảo và thực hiện.

 Hương Xuân


Ý kiến bạn đọc