Cần lưu ý phát hiện sớm bệnh ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là loại ung thư xuất phát từ tế bào biểu mô ở vùng vòm họng, thường gặp nhất ở vùng đầu, cổ và là một trong 10 loại ung thư có tỷ lệ mắc cao tại Việt Nam.
Khi mới phát bệnh, ung thư vòm họng có những biểu hiện không rõ ràng, triệu chứng giống với các bệnh viêm mũi họng thông thường, như: ngạt mũi, ù tai, đau đầu, khàn tiếng… khiến nhiều người nhầm lẫn, nếu chẩn đoán lâm sàng cũng khó có kết quả chính xác. Vì vậy, hiện nay bệnh nhân thường phát hiện ung thư vòm họng khi khối u phát triển nhanh, ở giai đoạn cuối khiến việc chữa trị gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều trường hợp tử vong sau khi phát hiện bệnh một thời gian ngắn. Như trường hợp bố của chị Thái Thị Lài (ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) vừa mất cách đây không lâu do bệnh ung thư vòm họng. Chị Lài cho biết: “Ông cụ không có biểu hiện gì đặc biệt, trước khi phát hiện ung thư vòm họng, mỗi khi ăn uống, bố tôi chỉ thấy nhợn nhợn ở cổ họng, ho dai dẳng. Sau đó, ông đi khám bệnh viêm họng. Do nghi ngờ nên các bác sĩ cho làm các xét nghiệm cần thiết và kết luận bố tôi bị ung thư vòm họng, khối u đang phát triển nhanh, có khả năng di căn sang các vùng xung quanh”.
Theo bác sĩ Huỳnh Thị Như Huệ (khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, hiện nay, khoảng 90% bệnh nhân bị ung thư vòm họng được phát hiện và nhập viện điều trị ở giai đoạn khá muộn bởi ở giai đoạn đầu, triệu chứng của ung thư vòm họng rất giống với các bệnh lý về đường hô hấp, xoang, viêm họng thông thường... khiến người bệnh chủ quan, chần chừ trong việc khám bệnh, đến khi phát hiện thì bệnh đã tiến triển nhanh, khó điều trị. Hiện nay, mặc dù có nhiều phương pháp chữa trị để kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân bị ung thư vòm họng, song tỷ lệ sống là rất thấp nếu phát hiện muộn.
Những đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh ung thư vòm họng là người thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, thường xuyên ăn đồ muối lên men, người có sức đề kháng yếu hoặc trong gia đình có người đã từng mắc ung thư vòm họng… |
Mặc dù ung thư vòm họng không có triệu chứng điển hình, song những biểu hiện sau cũng có thể giúp mọi người nhận biết sớm căn bệnh này: khó nuốt là dấu hiệu phổ biến nhất và sớm nhất có thể giúp bệnh nhân phát hiện bệnh. Khối u hình thành và phát triển gây cản trở thực phẩm đi qua cổ họng, khiến bệnh nhân có cảm giác đau và khó nuốt. Biểu hiện tiếp theo là bệnh nhân sẽ cảm thấy có bề mặt khô ráp trong cổ họng, gây cảm giác khó chịu, dấu hiệu này sẽ xuất hiện khi bắt đầu mắc bệnh và tiếp tục trong suốt quá trình phát triển bệnh. Bên cạnh đó, khối u lớn dần gây sẽ gây ảnh hưởng đến các dây thanh âm khiến giọng nói bị thay đổi. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị ho liên tục, kéo dài và giọng bị khàn; chảy máu cam, chảy nước mũi một bên và kèm theo máu, nổi hạch ở cổ. Bệnh nhân cũng nên đề phòng chứng ù tai, nghe kém và đau họng…vì đây cũng có thể là triệu chứng của ung thư vòm họng.
Ung thư vòm họng là một trong những loại ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn với tỷ lệ cao nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy, để chẩn đoán sớm ung thư vòm họng, bác sĩ Huệ khuyến cáo: nên khám và nội soi vòm mũi họng từ 1-2 lần/năm. Với người có nhiều yếu tố nguy cơ, nên khám và nội soi tai mũi họng 2 - 3 lần/năm. Khi có các triệu chứng nghi ngờ kéo dài trên 2 tuần nên đến cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để khám và yêu cầu nội soi vòm mũi họng.
Hiện nay không có phương pháp nào có thể phòng ung thư vòm mũi họng một cách tuyệt đối, tuy nhiên có thể làm giảm hoặc tránh các yếu tố nguy cơ bằng cách: duy trì lối sống lành mạnh; hạn chế sử dụng rượu, bia; không hút thuốc lá; không nên ăn nhiều các loại thực phẩm chế biến theo phương thức lên men, như: thịt muối, dưa muối, cà muối, không ăn thức ăn còn nóng tránh gây tổn thương đến vùng vòm họng..., đồng thời cần điều trị sớm những viêm nhiễm đường mũi họng.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc