Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo nguy cơ từ việc lạm dụng thuốc kháng sinh

10:33, 23/12/2017

Khi bản thân hoặc con cái mình có những biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt, ho, sổ mũi, nhiều người vẫn có thói quen tự ra các tiệm thuốc tây mua thuốc về uống, phổ biến là thuốc kháng sinh.

Hầu hết các tiệm thuốc đều dễ dàng bán thuốc kháng sinh cho người bệnh mà không cần toa thuốc của bác sĩ. Tình trạng này đang khiến thuốc kháng sinh không phát huy được tác dụng trong điều trị bệnh mà còn làm cơ thể sản sinh ra các vi khuẩn kháng thuốc gây nguy hiểm cho người bệnh.

Lâu nay, chị Hoàng Thị Kim Anh (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) vẫn có thói quen ra tiệm thuốc gần nhà “kể” bệnh để mua thuốc về cho con ốm mỗi khi con bị ốm. Chị kể: “Sau khi nghe tôi liệt kê các triệu chứng bệnh, tiệm thuốc sẽ bán cho tôi khoảng 4 – 5 liều thuốc uống trong 2 – 3 ngày. Tôi thật sự không biết các thành phần của thuốc, chỉ thấy họ bán thì mình lấy về cho con uống. Lần này uống mãi thấy bệnh không giảm tôi mới đưa con vào nhập viện thì các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm họng nặng phải ở lại điều trị dài ngày”. Tương tự, chị Lê Thị Thủy (trú xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) cũng thường ra tiệm thuốc mua thuốc về cho mình và con uống mỗi khi bị bệnh, chỉ khi nào uống thuốc hoài không đỡ thì mới đi khám.

Trẻ mắc bệnh đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.  Ảnh: Đ. Thi
Trẻ mắc bệnh đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Đ. Thi

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh (Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh) cho biết, trong 5 nhóm bệnh chính (gồm bệnh lý nhiễm trùng, bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý ngộ độc, bẩm sinh và bệnh lý miễn dịch) thì chỉ có một phần trong bệnh lý nhiễm trùng là có chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Đa phần các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn thì mới nên sử dụng kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh được ví như “con dao hai lưỡi”: mặt tích cực là điều trị bệnh, diệt vi khuẩn gây bệnh, không cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở tiết ra các độc chất gây hại cho cơ thể; mặt tiêu cực là thuốc kháng sinh có thể có tác dụng phụ, phản ứng phụ và dị ứng, tùy từng cơ địa của mỗi người mà thuốc có tác dụng phụ như gây suy gan, suy thận, các rối loạn khác trong cơ thể, từ đó làm nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng thuốc.

 

“Hầu hết các kháng sinh khi dùng cho trẻ đều có chỉ định của bác sĩ, do đó, gần như không có kháng sinh nào được tự ý mua và sử dụng. Vì thế, khi trẻ bị bệnh, các bậc phụ huynh không nên tự ý lấy thuốc bừa bãi mà nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để có quá trình chẩn đoán, phân loại và điều trị bệnh phù hợp với từng loại thuốc. Tránh việc sử dụng kháng sinh tràn lan khi chúng ta chưa hiểu rõ về nguồn gốc gây bệnh khiến trẻ dễ đề kháng kháng sinh”.

 

 
Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Hầu hết các trường hợp sốt do siêu vi, viêm họng, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy… thì không nên dùng kháng sinh. Tuy nhiên, với mong muốn nhanh chóng khỏi bệnh, nhiều người thường lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị mọi loại bệnh. Điều này gây ra mối nguy hiểm khôn lường bởi thuốc kháng sinh ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh thì còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Vì vậy, nếu sử dụng kháng sinh quá nhiều thì cơ thể sẽ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn. Kháng sinh sử dụng bừa bãi thường gây tác dụng phụ như: tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ thậm chí tử vong. Nguy hiểm hơn, lạm dụng kháng sinh dễ dẫn đến đề kháng kháng sinh (hay còn gọi là lờn kháng sinh), về sau khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì sẽ không còn tác dụng nữa, người bệnh dễ có nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong.

Vấn đề đề kháng với kháng sinh đối với vi khuẩn là quá trình có tích lũy, do đó, nếu sử dụng kháng sinh nhiều loại hoặc nhiều lần thì mức độ đề kháng với kháng sinh sẽ tăng lên, nếu càng nhiều loại thì cơ thể sẽ đề kháng càng nhiều kháng sinh. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh và thường được các bậc phụ huynh tự ý mua thuốc về uống, gây nhiều nguy hiểm cho trẻ. Bởi nguyên tắc chung khi sử dụng kháng sinh cho trẻ là sử dụng phù hợp theo bệnh lý, theo lứa tuổi, cân nặng và cơ địa bệnh lý. Đối với những trẻ điều trị nhiễm trùng dai dẳng hoặc nhiễm trùng nhiều lần mà cần sử dụng kháng sinh nhiều thì nên sử dụng kháng sinh đồ cho trẻ để lựa chọn kháng sinh hợp lý nhất, tránh việc không đáp ứng hoặc đề kháng kháng sinh.

Người dân chỉ mua thuốc theo đơn của bác sĩ để tránh việc lạm dụng thuốc kháng sinh.
Người dân nên mua thuốc theo đơn của bác sĩ để tránh việc lạm dụng thuốc kháng sinh.

Do đó, để bảo đảm sức khỏe của bản thân cũng như gia đình, chỉ nên dùng thuốc kháng sinh khi đã được khám và có chỉ định của bác sĩ, khi sử dụng thuốc kháng sinh phải hết sức thận trọng, không tự ý dùng, phải thăm khám lâm sàng và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.