Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Giải pháp nâng cao chất lượng dân số
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là hai biện pháp dự phòng nhằm phát hiện những bất thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ và sau khi trẻ ra đời.
Thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là hai quy trình tách biệt, sử dụng các biện pháp khác nhau và quãng thời gian làm xét nghiệm cũng khác nhau. Quy trình sàng lọc trước sinh được thực hiện bằng các xét nghiệm máu hoặc lấy bệnh phẩm từ thai nhi và siêu âm cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, 3 tháng giữa giúp phát hiện sớm các bệnh down, rối loạn di truyền, dị tật ống thần kinh, khuyết tật về tim… Còn quy trình sàng lọc sơ sinh được thực hiện nhằm phát hiện sớm dị tật bẩm sinh, vì có những trường hợp khi đứa trẻ ra đời rồi mới có thể phát hiện được một số bệnh. Kỹ thuật sàng lọc sơ sinh được thực hiện bằng cách lấy máu gót chân của trẻ trong vòng 24 - 48 giờ sau khi trẻ sinh ra để phát hiện các bệnh: thiếu men G6PD (gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động); suy tuyến giáp trạng bẩm sinh (chậm phát triển trí tuệ) và tăng sản thượng thận bẩm sinh (bệnh rối loạn nhiễm sắc thể giới tính).
Cán bộ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Ea Kar tuyên truyền cho các bà mẹ về lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. |
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Mai Văn Phán, Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” được triển khai thí điểm ở tỉnh ta từ năm 2012 tại 5 huyện, thành phố (Cư Kuin, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Bông và TP. Buôn Ma Thuột), sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Để triển khai Đề án hiệu quả, thời gian qua, Chi cục đã phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức tập huấn kỹ năng chuyên môn cho lãnh đạo và nhân viên y tế để củng cố kỹ năng tuyên truyền, tư vấn cho người dân, nâng cao kiến thức thực hành về sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Qua đó, số người nắm bắt được thông tin về Đề án ngày một tăng lên, nhiều bà mẹ mang thai và người chuẩn bị mang thai đã chủ động đến khám, tư vấn và có nhu cầu thực hiện sàng lọc. Nếu như những năm đầu triển khai, mỗi năm có khoảng 3 - 4 nghìn bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh, thì năm 2016 và 2017 con số này đã tăng lên gần 10 nghìn đối tượng mỗi năm. Thông qua sàng lọc trước sinh và sơ sinh, nhiều bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh được phát hiện sớm. Chỉ tính riêng năm 2017, toàn tỉnh phát hiện và tư vấn điều trị cho 87 bà mẹ mang thai nghi ngờ thai nhi mắc các dị tật và 67 trẻ sơ sinh nghi ngờ mắc các bệnh về chuyển hóa.
Lấy máu gót chân của trẻ để sàng lọc sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Kar. |
“Đối với phụ nữ mang thai, 3 thời điểm nên đi siêu âm, xét nghiệm để sàng lọc trước sinh là: khi thai kỳ từ 11 đến 13 tuần tuổi; khi thai kỳ từ 18 đến 22 tuần tuổi và khi thai kỳ được 32 tuần tuổi”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Mai Văn Phán
|
Có thể thấy, Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” đang từng bước làm giảm thiểu tỷ lệ dị tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số của địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn từ nhiều phía. Trước hết là nhận thức của người dân về chăm sóc thai sản, nhiều sản phụ còn có thái độ thờ ơ và chưa quan tâm đến chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh, nhất là các sản phụ ở vùng sâu vùng xa; không ít thai phụ đến cơ sở y tế không đúng thời điểm nên khó thực hiện sàng lọc trước sinh; một số bệnh viện tuyến huyện không thực hiện được các kỹ thuật sàng lọc trước sinh và sơ sinh do thiếu kinh phí và nhân lực chuyên sâu…
Để Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, hiện Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, đồng thời kêu gọi tăng cường xã hội hóa, tạo nguồn lực thực hiện Đề án.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc