Bước đột phá trong cải cách hành chính ở ngành Y tế
Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Đầu giờ sáng, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện M’Đrắk tiếp nhận khá đông người dân tới đăng ký khám bệnh nhưng không hề có cảnh chen lấn, mọi người trật tự xếp hàng, lấy số thứ tự từ hệ thống tự động và ngồi chờ đến lượt. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Thừa, Giám đốc bệnh viện, bệnh viện đã cải tiến quy trình khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và phục vụ người bệnh, bố trí khu vực ghế ngồi chờ tại nơi thoáng mát, thành lập tổ công tác xã hội làm nhiệm vụ đón tiếp, hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh.
Khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn. |
Không chỉ riêng BVĐK M’Đrắk, tất cả các cơ sở y tế trong toàn ngành cũng tích cực thực hiện CCTTHC, hướng tới sự hài lòng của người bệnh như: đơn giản hoá các thủ tục, quy trình khám chữa bệnh, niêm yết công khai, minh bạch các dịch vụ y tế để mọi người dân đến cơ sở đều biết và cùng giám sát; lắp đặt sơ đồ, biển báo chỉ dẫn đường đến các khoa, phòng trong bệnh viện rõ ràng, dễ hiểu, dễ tìm... Cùng với đó, các đơn vị trong ngành cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành. Đến nay, 100% đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh và trạm y tế tuyến xã đã thực hiện kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh, chuyển dữ liệu thanh toán bảo hiểm y tế sang cổng tiếp nhận của Bảo hiểm xã hội đúng quy định; sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý.
Nhằm tăng cường lợi ích của phần mềm MMS.net, thời gian tới, Ban Chủ nhiệm đề tài sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tích hợp chức năng gọi y tá, cảnh báo sức khỏe từ xa bằng công nghệ “IP Touch” trên phần mềm này. |
Việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng quản lý, thúc đẩy phát triển toàn diện, mà còn tiết kiệm được thời gian cho người bệnh. Có thể thấy rõ hiệu quả tại các bệnh viện, bởi trước đây việc khám bệnh, kê đơn, quản lý thuốc, thanh toán viện phí... đều ghi chép bằng tay khiến cho việc quản lý, tìm kiếm thông tin điều trị, thanh quyết toán gặp rất nhiều khó khăn, bệnh nhân và người nhà phải đi lại nhiều lần, thực hiện rất nhiều thủ tục giấy tờ. Còn hiện tại với hệ thống CNTT kết nối liên hoàn, đồng bộ dữ liệu từ khâu tiếp nhận, quản lý bệnh nhân, quản lý xét nghiệm, hỗ trợ quyết định y khoa, quản lý dược, tài chính kế toán... mọi thủ tục đều được giải quyết nhanh gọn và kiểm soát chặt chẽ, vừa tiết kiệm thời gian cho người bệnh, vừa tạo sự công bằng cho mọi người khi đến khám và điều trị.
Nhân rộng ứng dụng CNTT đến tuyến xã
Từ hiệu quả ứng dụng CNTT tại các đơn vị tuyến tỉnh, huyện, để mở rộng ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh đến tuyến xã, bác sĩ CKII Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế và các cộng sự đã bắt tay thực hiện phần mềm MMS.net - “Phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế". Phần mềm này được xem như một bước ngoặt lớn của ngành Y tế tỉnh trong việc ứng dụng CNTT, CCTTHC ở tuyến cơ sở, bởi nó không chỉ đưa ứng dụng công nghệ của y tế Đắk Lắk đứng thứ 5 toàn quốc về trích xuất dữ liệu liên thông thanh toán Bảo hiểm y tế và đứng thứ 2 toàn quốc về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT mà còn tạo nên một cục diện mới cho các trạm y tế xã. Hiện phần mềm này đã được chuyển giao cho 184 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk. |
Chia sẻ tại Hội thảo giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và triển khai nhân rộng Đề tài “Phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã ” trên địa bàn tỉnh diễn ra vừa qua, bác sĩ CKII Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Phần mềm MMS.net được thực hiện nhằm xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ phục vụ hoạt động khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tránh thất thoát, lãng phí. Đồng thời, triển khai đồng bộ giải pháp ứng dụng sát với nhu cầu thực tế của y tế xã như: quản lý khám bệnh; quản lý kho dược phẩm; quản lý điều trị nội trú, ngoại trú; hệ thống quản lý tiêm chủng, phòng dịch; quản lý đối tượng bảo hiểm y tế; kết nối liên thông thanh toán bảo hiểm y tế…
Có thể thấy, với quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, các giải pháp CCTTHC của ngành Y tế tỉnh đã tạo nên những bứt phá mới, từng bước tạo được sự hài lòng của người bệnh.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc