Multimedia Đọc Báo in

Bệnh sốt rét diễn biến phức tạp tại Ea Kar

09:13, 13/03/2019

Đến thời điểm này, số ca bệnh sốt rét trên địa bàn huyện Ea Kar đã tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm trước. Song, điều đáng nói là trong khi số ca bệnh gia tăng thì người dân vẫn chủ quan và thiếu kiến thức về phòng chống dịch bệnh này.

Sau khi vào rừng thăm bẫy rồi ngủ lại trong rừng 1 đêm, về nhà anh Đào Văn Hậu (ở thôn Thanh Sơn, xã Ea Sar, huyện Ea Kar) lên cơn sốt. Mua thuốc tự điều trị tại nhà 2 ngày không khỏi, lại thấy xuất hiện thêm các cơn rét, anh Hậu mới tìm đến Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 (huyện Ea Kar). Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán anh bị sốt rét và chỉ định nhập viện điều trị. Anh Hậu chia sẻ: “Khi nghe bác sĩ kết luận, tôi biết mình bị sốt rét là do muỗi đốt, vì đêm ngủ trong rừng tôi bị muỗi đốt khá nhiều. Nguyên nhân là do trước khi đi rừng tôi chủ quan nên mang nhầm màn bị rách”.

Bác sĩ  thăm khám một  trường hợp mắc sốt rét điều trị  tại Bệnh viện Đa khoa  khu vực 333.
Bác sĩ thăm khám một trường hợp mắc sốt rét điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực 333.

Cũng như anh Hậu, sau 3 ngày vào rừng Ea Sô hái măng, ông Y Căn Mlô (ở buôn Ea Knốp, xã Cư Ni, huyện Ea Kar) bị sốt cao và được người nhà đưa vào điều trị tại Khoa Nội nhi nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Kar. Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân có biểu hiện rét run, đau đầu, vã mồ hôi, sốt cao, có khi lên cơn co giật. Các bác sĩ đã lấy máu của bệnh nhân làm test nhanh và phát hiện bệnh nhân mắc sốt rét. Tìm hiểu nguyên nhân mắc bệnh, ông Y Căn cho biết: “Trong 3 ngày ngủ ở rừng, tôi chủ quan không mắc màn nên bị muỗi đốt dẫn đến sốt rét. May mà người nhà đưa vào bệnh viện kịp thời và được các y bác sĩ chăm sóc, điều trị tích cực nên sức khỏe của tôi đã ổn định”.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Ea Kar, tính đến thời điểm này, toàn huyện ghi nhận 69 ca bệnh sốt rét, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2018. Số ca bệnh tập trung ở các xã Ea Sar (25 ca), Ea Sô (25 ca), Cư Huê (10 ca). Đối tượng mắc chủ yếu là nam giới ở nhóm tuổi thanh niên, trung niên. Đây là các đối tượng thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu giữa các vùng sốt rét lưu hành, nhưng việc bảo vệ cá nhân phòng chống muỗi đốt chưa được chú trọng.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh khuyến cáo, người dân đi rừng cần mặc quần áo dài để tránh muỗi đốt và nên đi về trong ngày; đồng thời, khi ngủ cần tạo thói quen ngủ màn để phòng muỗi đốt. Khi thấy người bị sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi liên tục, nhiều đợt, cơ thể nhức mỏi… thì nên đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Để ngăn ngừa dịch sốt rét bùng phát trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Ea Kar đã chỉ đạo các trạm y tế tăng cường các hoạt động ngăn chặn sự gia tăng của bệnh sốt rét, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao, giám sát, ghi nhận phản hồi ca bệnh với các tuyến; cấp 12.500 màn đôi và 300 võng màn tẩm hóa chất cho các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy trên địa bàn 16 xã, thị trấn. Cùng với đó, Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn cũng đã cử cán bộ trực tiếp xuống nằm vùng tại 2 địa bàn trọng điểm (xã Ea Sô, Ea Sar) để hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện giám sát dịch tễ, khoanh vùng các điểm có ký sinh trùng sốt rét để xử lý nguồn lây bệnh; lấy mẫu máu của bệnh nhân và thân nhân người bệnh để làm xét nghiệm xác định bệnh; truyền thông, tư vấn trực tiếp cho người dân các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét, nhất là khi đi rừng, ngủ rẫy.

Cán bộ Trạm Y tế xã Cư Huê (huyện Ea Kar) tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống sốt rét.
Cán bộ Trạm Y tế xã Cư Huê (huyện Ea Kar) tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống sốt rét.

Theo bà H’Loan Niê, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Ea Kar, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt rét trên địa bàn, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tại địa phương vào cuộc triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét một cách quyết liệt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là ý thức phòng chống sốt rét của người dân chưa cao. Mặc dù cán bộ y tế đã trực tiếp đến tận các thôn, buôn để tuyên truyền, vận động và cấp màn tẩm hóa chất nhưng nhiều hộ dân vẫn tỏ thái độ không hợp tác, không nhận màn tẩm hóa chất, thậm chí họ còn đóng cửa đi làm. Sắp tới, khi mùa mưa đến, cũng là mùa người dân vào rừng lấy mật ong, nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng chống thì tỷ lệ mắc sốt rét trên địa bàn sẽ có nguy cơ tăng cao hơn nữa.

Rõ ràng, để công tác phòng chống dịch bệnh sốt rét trên địa bàn huyện Ea Kar đạt được hiệu quả, không để xảy ra tình trạng sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét, ngoài các biện pháp tích cực của ngành Y tế, hơn hết vẫn là ý thức tự bảo vệ mình của người dân.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.