Multimedia Đọc Báo in

Không chủ quan với các triệu chứng mắc bệnh sốt xuất huyết

07:18, 25/07/2020

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền vi rút Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Sốt xuất huyết không chỉ nguy hiểm vì gây sốt cao triền miên, liên tục trong nhiều ngày mà còn gây ra các biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, vi rút gây bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp: D1, D2, D3, D4. Khi mắc bệnh sốt xuất huyết tuýp vi rút nào thì cơ thể có thể miễn dịch với tuýp vi rút đó nhưng không đủ miễn dịch để phòng tất cả các tuýp khác. Vì vậy, về lý thuyết, một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều lần. Sốt xuất huyết có triệu chứng đặc trưng là sốt cao liên tục, khó hạ sốt, đau đầu nhiều, xuất huyết và thoát huyết tương dẫn tới sốc do cô đặc máu, tụt huyết áp bởi giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông máu thứ phát sau sốc kéo dài.

Một trường hợp bị sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đình Thi
Một trường hợp bị sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đình Thi

Thời kỳ ủ bệnh của sốt xuất huyết từ 3-6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày, sau đó xuất hiện sốt cao đột ngột (kéo dài từ 2-7 ngày), người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hố mắt, đau cơ, có thể kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy. Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Sốt sẽ giảm vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 và kèm theo có xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi hoặc cả hai).

Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng (chảy máu tiêu hóa, thận), kinh nguyệt kéo dài, rong kinh (ở phụ nữ) và có thể bị sốc. Xuất huyết ở da dạng ban, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Sốt xuất huyết thể nhẹ, trung bình không bị sốc hoặc bị sốc nhưng được điều trị thoát sốc tốt, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục.

Tuy vậy, có một số trường hợp bệnh nặng có thể dẫn đến những biến chứng như sốc, nguy hiểm tới tính mạng, có thể làm cho lách to, gan to và đau. Ngoài ra, có thể biến chứng tràn dịch màng phổi, giảm protein máu, suy tim, thận; sốc do mất máu, xuất huyết não, hôn mê… Hiện tại, sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh hay thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị bệnh chủ yếu chỉ gồm những hoạt động theo dõi và chăm sóc cũng như hỗ trợ các chức năng cần thiết cho cơ thể.

Khi bị sốt xuất huyết, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng rất nhanh. Vì vậy, người bệnh khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài từ 2 ngày trở lên, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể nổi mẩn, phát ban… cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để được theo dõi sát, tránh những biến chứng nặng.

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Đắk Lắk đang trong mùa mưa, là thời điểm thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Khi đẻ trứng, muỗi vằn thường chọn đẻ nơi nước sạch, chúng không đẻ nơi ao tù, nước thải, cống bẩn như nhiều người nghĩ. Trứng muỗi có đặc điểm bám vào thành lu, hũ và có thể tồn tại nhiều tháng để khô, chỉ cần có nước thì lập tức trứng đó phát triển thành lăng quăng rồi thành muỗi. Chính vì vậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có khả năng sinh sản mạnh và phát triển vào mùa mưa. Ngoài ra, nhiều người dân ở nông thôn thường có thói quen tích trữ nước mưa trong lu, khạp; nếu không đậy nắp sẽ tạo điều kiện cho muỗi sinh sản. Chưa kể, các vật phế thải, đọng nước khi mưa xuống xung quanh nhà như muỗng dừa, lon, chai, lọ, vỏ xe… 

Lật úp các vật dụng chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Lật úp các vật dụng chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, cần thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế, như: ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thay bình nước hoa, bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, bẹ lá… không cho muỗi đẻ trứng. Tích cực phối hợp với ngành Ytế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch…

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.