Vi chất dinh dưỡng cần cho sự phát triển và tăng trưởng của trẻ
Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, nếu thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ.
Vi chất dinh dưỡng gồm 2 nhóm: nhóm các nguyên tố khoáng (kẽm, sắt, đồng, canxi, Iốt,…) và nhóm vitamin (A, B, C, D…). Thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em được ví như “nạn đói tiềm ẩn” vì không có dấu hiệu rõ ràng nhưng gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, làm sức đề kháng của trẻ suy yếu, trẻ dễ mắc các bệnh cấp và mãn tính.
Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ em từ 6 - 59 tháng tuổi khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ thiếu kẽm là 66,6% (toàn quốc 58%), tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 11% (cả nước là 9,5%), tỷ lệ thiếu máu là 26,3% (toàn quốc là 19,6%); phụ nữ có thai khu vực Tây Nguyên tỷ lệ thiếu kẽm là 63,9% (toàn quốc 63,5%). Qua đó, theo đánh giá của WHO, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đã có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng và thiếu máu đã ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, nhưng thiếu kẽm vẫn còn cao, nhất là ở đối tượng bà mẹ và trẻ em.
Bác sĩ Vi Thị Huệ (Phụ trách Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, nguyên nhân gây thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em đa số do trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa khiến quá trình hấp thu vi chất dinh dưỡng bị ảnh hưởng, hoặc những trẻ có hệ miễn dịch kém hay bị mắc bệnh khiến trẻ chán ăn dẫn đến thiếu chất, những trẻ bị nhiễm ký sinh trùng do giun sán…; khẩu phần ăn chưa đa dạng, chưa đáp ứng đủ lượng vi chất dinh dưỡng mà cơ thể cần.
Trẻ uống bổ sung vitamin A liều cao. |
Việc bổ sung không đúng, không đủ đa vi chất cho trẻ em có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe. Như tình trạng trẻ thiếu máu do thiếu sắt thường kém hoạt bát, học kém, thiếu tập trung và hay buồn ngủ, tình trạng này kéo dài khiến trẻ dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp và mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ thiếu vitamin A khiến trẻ còi cọc, chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, thiếu vitamin A nặng gây khô loét giác mạc, mù lòa. Trẻ thiếu canxi dẫn đến bệnh còi xương, khi cơ thể không cung cấp đủ canxi hoặc việc hấp thu canxi ở ruột giảm xuống, cơ thể buộc phải huy động canxi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương. Trẻ thiếu kẽm sẽ biếng ăn, chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao. Phụ nữ có thai thiếu Iốt có thể gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non, trẻ sinh ra có nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn, bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay, chân, nói ngọng, điếc, câm, lác mắt…
Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, có thể bổ sung các vi chất từ các thực phẩm có sẵn. Thực phẩm chứa nhiều sắt như: thịt bò, lòng đỏ trứng gà, tim, gan, cá, đậu, đỗ, rau màu xanh, nấm hương… Nên ăn hoa quả chín cung cấp nhiều vitamin C để tăng sự hấp thu của sắt; thực phẩm chứa nhiều canxi như: tôm, tép, cá, sữa, phô mai…; thực phẩm chứa nhiều Iốt như: cá biển, rong biển, rau cải xoong, tảo…; thực phẩm có nhiều kẽm như: lòng đỏ trứng gà, sò, trai, hến, lươn, ốc, củ cải, đậu tương…; thực phẩm chứa nhiều vitamin A như: thịt, gan, trứng gà, sữa, lươn, rau màu xanh, gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ… vitamin D có nhiều trong gan, trứng gà. Ngoài ra, cần cho trẻ bổ sung vitamin A liều cao từ 6 - 36 tháng tuổi, cho bà mẹ sau sinh uống vitamin A, đặc biệt bổ sung cho trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, trẻ bị tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp dai dẳng...
Phượng Vũ