Multimedia Đọc Báo in

Công cụ quản trị hiện đại - đòn bẩy cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ

08:29, 24/10/2010

Xây dựng và áp dụng công cụ quản trị hiện đại một cách phù hợp là yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn khá mới mẻ, nhất là đối với DN vừa và nhỏ, nên khi triển khai thực hiện cần có lộ trình thích hợp. Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc phỏng vấn với ông NGUYỄN BẢO TOÀN, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) về vấn đề này.

*Quản lý chất lượng sản phẩm – dịch vụ thực sự đem lại hiệu quả cho DN, tuy nhiên còn có nhiều khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận và áp dụng vào DN, theo ông đâu là “nút gỡ”?

 
-Trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt là thực hiện các cam kết với WTO của Việt Nam, DN trong nước đang thực sự đối đầu với sức ép cạnh tranh mạnh mẽ không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay chính trên sân nhà khi lộ trình về quan thuế theo cam kết dần được dỡ bỏ. Sản phẩm, dịch vụ do DN Việt Nam tạo ra để cạnh tranh, mở rộng thị trường buộc phải xây dựng thương hiệu, kênh phân phối, cắt giảm chi phí… trên nền tảng bảo đảm được chất lượng cho sản phẩm, dịch vụ. Để có chất lượng và ổn định, DN phải áp dụng các tiêu chuẩn và công cụ quản lý chất lượng hiện đại một cách phù hợp và hiệu quả. Tuy nhiên  hơn 95% DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ (SMEs), trình độ quản trị còn rất hạn chế, quản trị DN theo kiểu thuận tiện, gia đình. Trong khi môi trường kinh doanh Việt Nam hiện chưa thực sự tạo sân chơi bình đẳng cho SMEs nên việc tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản trị chất lượng hiện đại còn hạn chế và khó khăn. Để tháo gỡ, cần có sự kết hợp cả ba yếu tố là bình đẳng thực sự về sân chơi, nhận thức của doanh nghiệp và vai trò “bà đỡ” của các hiệp hội và Chính phủ.

*Vai trò “bà đỡ” của các hiệp hội và Chính phủ cần được thể hiện như thế nào trong sự phát triển của SMEs, thưa ông ?
-Thập niên vừa qua mặc dù còn những vướng mắc, nhưng SMEs phát triển mạnh mẽ như vậy có vai trò hết sức quan trọng của Chính phủ và các hiệp hội. Tuy nhiên, trong thập niên tới (2010 - 2020) vai trò này cần phát huy hơn nữa và đi vào chiều sâu, không chỉ dừng lại ở các thủ tục đăng ký kinh doanh, hải quan, hỗ trợ lãi suất… như hiện nay mà cần tạo lập cho được nguồn nhân lực có đủ trình độ, kỹ năng mà DN cần; xây dựng hệ thống thông tin về thị trường, công nghệ, quản trị phù hợp và cập nhật; cơ sở hạ tầng đặc biệt là giao thông, điện, Internet ổn định, an toàn và có chi phí thấp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để giảm chi phí ẩn, giảm phiền hà, thời gian cho doanh nghiệp.
Về phía Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, SMEDEC2 là đối tác và điều phối viên của các tổ chức, dự án quốc tế như GTZ, APO, InWent, MPDF…nên có điều kiện cập nhật các kiến thức mới về các công cụ, tiêu chuẩn quản trị hiện đại của thế giới để chuyển giao cho SMEs Việt Nam. Trong 15 năm qua, SMEDEC2 đã đào tạo, tư vấn hàng chục ngàn lượt DN trên phạm vi cả nước về các tiêu chuẩn, công cụ quản lý chất lượng và năng suất cho nhiều ngành nghề khác nhau. Các chương trình đào tạo, huấn luyện của SMEDEC2 được thiết kế và cập nhật hết sức linh hoạt phù hợp với từng lĩnh vực và đối tượng DN cụ thể nên được cộng đồng DN tín nhiệm và đánh giá cao. Trong thập niên tới, ngoài các tiêu chuẩn phổ biến như 5S, ISO 9000, 14000, 22000, 27000, ISO 17025..., SMEDEC2 tiếp tục cung cấp cho SMEs các công cụ mới như TQM, GHK, Lean, Supply chain…, đặc biệt là các dự án, chương trình năng suất quốc gia theo QĐ 712/2010-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói, đó chính là đòn bẩy cho sự phát triển của DN vừa và nhỏ

*Ông đánh giá như thế nào về sự thích ứng của SMEs nói chung và SMEs của Dak Lak trong bối cảnh kinh tế hiện nay?
 -Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự bức phá ngoạn mục của SMEs Việt Nam. Trong vòng 10 năm, từ 1999 đến 2009, SMEs tăng gấp 15 lần, chiếm hơn 97% trong số hơn 400 nghìn DN hiện có của Việt Nam. SMEs thực sự trở thành một thực thể quan trọng của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp vào GDP đã bằng và vượt qua khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh chung của cả nước, SMEs Dak Lak cũng có bước phát triển, bước đầu khai thác các lợi thế, tiềm năng của một tỉnh có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, đóng góp tích cực vào phát triển và ổn định kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển vẫn còn khiêm tốn, nhất là trong các lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến các loại sản phẩm lợi thế như cà phê, ca cao, cao su, tiêu, rau củ quả và các loại nông sản khác; việc xuất sản phẩm thô và không ổn định cả về đầu ra và chất lượng, có giá trị gia tăng thấp đang là lĩnh vực mà các SMEs Dak Lak cần nhanh chóng khắc phục.

*Xin  cảm ơn ông!

Hoa Hồng (Thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc