Để tăng tỷ lệ sinh tại trạm y tế: Cần có sự đầu tư đồng bộ cho các trạm
Trước thực trạng tỷ lệ sinh tại các trạm y tế trên địa bàn ngày càng giảm, Bác sĩ Bùi Thị Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đã chia sẻ đôi điều với Báo Dak Lak về vấn đề này.
* Bác sĩ có nhận định như thế nào về công tác quản lý thai sản tại trạm y tế xã, phường, thị trấn ở tỉnh ta hiện nay?
Trong những năm gần đây, công tác quản lý thai sản tại trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Hiện tại, tỷ lệ đẻ tại trạm y tế, phụ nữ đẻ được cán bộ y tế chăm sóc đạt kết quả tốt hơn và giảm dần tỷ lệ phụ nữ đẻ tại nhà không có cán bộ y tế chăm sóc. Bên cạnh đó, năng lực sản khoa ở trạm y tế được cải thiện nhiều, cán bộ y bác sĩ tại các trạm được cập nhật kiến thức tương đối đầy đủ nên công tác dự phòng, phát hiện, xử trí tai biến sản khoa, cấp cứu sơ sinh có nhiều chuyển biến tốt.
* Thực tế là hiện nay tỷ lệ sinh đẻ tại trạm y tế có xu hướng giảm dần, theo bác sĩ, đâu là nguyên nhân?
Theo thống kê của Chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tỉnh, năm 2013 có 1.787 ca đẻ tại trạm y tế, chiếm 6,5% trong tổng số 27.588 ca sinh của toàn tỉnh; 119/184 xã, phường, thị trấn có sản phụ sinh tại trạm y tế. So với năm 2012, tỷ lệ đẻ tại trạm y tế giảm 2,4%. Trên thực tế, tỷ lệ đẻ tại trạm mỗi năm một giảm có nguyên nhân một phần là do một số trạm y tế xã, phường, thị trấn gần với cơ sở y tế tuyến trên hoặc các dịch vụ y tế tư nhân nên thay vì đến sinh tại trạm, sản phụ lại chọn đến sinh tại bệnh viện huyện, thành phố hoặc nhà hộ sinh tư nhân. Mặt khác là do nhiều chị em ở vùng sâu vùng xa, mặt bằng dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu cộng với điều kiện kinh tế khó khăn nên thường sinh ở nhà chứ không ra trạm y tế. Ngoài ra, hiện nay tại một số vùng khó khăn của tỉnh đã có mạng lưới cô đỡ thôn buôn được đào tạo cơ bản hoạt động nên cũng giảm tỷ lệ đẻ tại trạm y tế.
Hiện nay, thay vì đến trạm y tế, nhiều sản phụ lại tìm đến bệnh viện để sinh con. (Trong ảnh: một ca chuyển dạ chờ sinh tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột). |
* Vậy, trang thiết bị sản khoa và trình độ nhân lực tại trạm y tế có đáp ứng được nhu cầu của người dân trên địa bàn không, thưa bác sĩ?
Có thể nói, trang thiết bị sản khoa và nhân lực của trạm y tế hiện nay đáp ứng tương đối so với nhu cầu của người dân. Hầu hết các trạm y tế đều được đầu tư về trang thiết bị như: bộ đỡ đẻ, bộ hồi sức sơ sinh, thuốc cấp cứu sản khoa, góc sơ sinh... Về nhân lực, 100% trạm y tế đều có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Hằng năm, đội ngũ này vẫn được đào tạo và đào tạo lại về cấp cứu sản khoa, hồi sức sơ sinh. Tuy nhiên, ở mỗi trạm y tế thường chỉ có 1- 2 nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi hoặc bác sĩ đa khoa làm công tác đỡ sinh. Điều này nhìn trên phương diện chuyên môn thì hoàn toàn đáp ứng được nhiệm vụ đỡ đẻ một ca sinh thường theo chức năng của trạm y tế. Thế nhưng, tâm lý của người dân lại thấy không thật sự yên tâm khi trạm y tế không có bác sĩ sản khoa. Do đó, để người dân tin tưởng tìm đến trạm y tế để sinh, tôi cho rằng, các trạm cần được bổ sung thêm nhân lực và những y bác sĩ làm công tác sinh đẻ tại trạm nếu không phải là bác sĩ chuyên khoa sản thì cần phải học định hướng về sản.
* Để các trạm y tế phát huy được năng lực của mình trong lĩnh vực này, theo bác sĩ cần phải có những yếu tố nào?
Theo tôi yếu tố đầu tiên là công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho bà mẹ, nhất là bà mẹ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ phải được thực hiện có hiệu quả, trong đó đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để hạn chế thấp nhất tỷ lệ phụ nữ đẻ tại nhà không có cán bộ y tế chăm sóc. Bên cạnh đó, phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Y tế về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, Quyết định 5231 về hướng dẫn xử trí tai biến sản khoa, rồi Hướng dẫn Quốc gia về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản… nhằm hạn chế tai biến sản khoa tại cơ sở y tế. Và một yếu tố nữa là đầu tư cho các trạm y tế, song việc đầu tư cũng cần phải triển khai đồng bộ trên các phương diện: trang thiết bị, thuốc và con người.
*Xin cảm ơn bác sĩ!
Kim Oanh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc