Multimedia Đọc Báo in

10 Sự kiện nổi bật của tỉnh Đắk Lắk năm 2020

14:35, 03/02/2021

1. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII:  Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 13 đến 15-10 với sự tham gia của 349 đại biểu đại diện cho hơn 80.800 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đại hội đã biểu quyết thông qua 21 nhóm chỉ tiêu chủ yếu; đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá chiến lược. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 53 đồng chí. Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu 15 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng chí Bùi Văn Cường tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí: Phạm Minh Tấn, Y Biêr Niê, Phạm Ngọc Nghị tái đắc cử Phó Bí thư Tỉnh ủy. 

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ra mắt Đại hội - Ảnh: HOÀNG GIA
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ra mắt Đại hội. Ảnh: Hoàng Gia

 2. Đảng bộ tỉnh tròn 80 tuổi: Cuối năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, đây là mốc son lịch sử của Đảng bộ tỉnh. Từ một Chi bộ Đảng Cộng sản, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo quân và dân trong tỉnh lập nên nhiều chiến công vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; sau ngày đất nước hòa bình thống nhất đến nay, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên. Kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (2311-1940 _ 23-11-2020) nhắc nhớ mỗi cán bộ đảng viên luôn nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện bồi đắp thêm truyền thống của Đảng bộ tỉnh.

3. Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Đắk Lắk lần thứ XI, giai đoạn 2020 - 2025: Đại hội đã xác định chủ đề phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 - 2025 là “Thi đua sáng tạo, hiến kế xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc”. Trong đó, tập trung thực hiện các mục tiêu: tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị toàn tỉnh trong sạch, vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát huy và tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học - công nghệ; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.

4. Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân miền Trung - Tây Nguyên: Lần thứ ba trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với đại diện nông dân trong cả nước. TP. Buôn Ma Thuột vinh dự được lựa chọn là địa điểm tổ chức cuộc gặp gỡ lần thứ ba. Trong nhiều nội dung mang tầm chiến lược, dài hạn cho ngành nông nghiệp, nông thôn được thẳng thắn trao đổi giữa nông dân miền Trung - Tây Nguyên với Thủ tướng, một lần nữa câu chuyện về cà phê, mặt hàng chiến lược của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng được đưa ra. Thủ tướng nhấn mạnh, cà phê của Đắk Lắk phải giữ được thương hiệu “quý hơn vàng”, do đó phải gắn sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng cà phê Việt Nam…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng quà các nông dân tiêu biểu của miền Trung - Tây Nguyên - Ảnh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng quà các nông dân tiêu biểu của miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia

5. Cuộc vận động “Hiến kế xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh”: Lần đầu tiên được tổ chức, Cuộc vận động nhằm phát huy dân chủ, cầu thị, lắng nghe, chắt lọc các hiến kế của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là những giải pháp đổi mới, đột phá để xây dựng, phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững. Cuộc vận động được dư luận đánh giá cao đã thu hút nhiều ý tưởng, sáng kiến, đề xuất, góp ý tâm huyết, thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân xây dựng Đắk Lắk ngày một giàu đẹp, văn minh.

6. Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020: Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng tinh thần, khát vọng khởi nghiệp vẫn lan tỏa. Minh chứng rõ nét chính là thành công và những ấn tượng về Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020. Cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng với 147 hồ sơ tham dự ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề và đối tượng dự thi, trong đó có những dự án có sản phẩm đã được thương mại hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, có hàm lượng ứng dụng công nghệ và tiếp cận với các phương thức phân phối hàng hóa hiện đại. Đặc biệt, Cuộc thi còn có sự xuất hiện những dự án chất lượng từ học sinh, sinh viên và các dự án mang tính xã hội cao, đem lại sinh kế, thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.

7. Điểm sáng về năng lượng tái tạo: Ngoài 5 dự án điện mặt trời và 1 dự án điện gió đã đưa vào vận hành năm 2019, năm 2020 có 2 dự án được triển khai thi công. Thêm nhiều kỳ vọng từ việc phát triển lĩnh vực kinh tế này khi ngày 15-7-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định mục tiêu, từ nay đến năm 2025, phấn đấu đưa các dự án điện gió, sinh khối, điện mặt trời vào vận hành, phát điện thương mại đạt công suất 2.000 - 3.000 MW; giai đoạn 2026 - 2030, công suất các nhà máy năng lượng tái tạo đạt 3.000 - 4.000 MW. 

Công trình điện gió ở huyện Ea H’leo. Ảnh: Hoàng Gia
Công trình điện gió ở huyện Ea H’leo. Ảnh: Hoàng Gia

8. Liên hoan Văn hóa cồng chiêng được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh: Với chủ đề “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng trong xu thế hội nhập”, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk diễn ra vào cuối tháng 11-2020 đã thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ 15 huyện, thị xã và thành phố. Liên hoan là một thông điệp khẳng định ý thức trách nhiệm và những nỗ lực bảo tồn, lưu giữ và phát huy di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Các nghệ nhân, diễn viên huyện Ea H’leo tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk - Ảnh:
Các nghệ nhân, diễn viên huyện Ea H’leo tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia

9. Đắk Lắk lần thứ ba có cầu truyền hình trực tiếp “Đường lên đỉnh Olympia”: Sau chiến thắng các vòng thi tuần với 385 điểm, thi tháng đạt 295 điểm và tại vòng thi quý II giành vòng nguyệt quế với 300 điểm, thí sinh Vũ Quốc Anh - học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) đã đưa cầu truyền hình trực tiếp “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 20 về cho Đắk Lắk. Như vậy, sau 20 năm tại sân chơi “Đường lên đỉnh Olympia”, tính đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk có 3 thí sinh lọt vào vòng chung kết năm.

Thầy Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Đắk Lắk tặng hoa chúc mừng em Vũ Quốc Anh Ảnh: Sở GD-ĐT cung cấp
Thầy Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Đắk Lắk tặng hoa chúc mừng em Vũ Quốc Anh. Ảnh: Sở GD-ĐT cung cấp

10. “Vượt bão” dịch bệnh: Năm 2020 là một năm vất vả và nhiều thử thách với ngành Y tế tỉnh. Ngoài dịch bệnh chung - Covid-19, Đắk Lắk còn phải ứng phó để khống chế sự lây lan của bệnh bạch hầu. Ngành Y tế đã cấp bách và triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Không còn là việc riêng ngành Y tế, “cuộc chiến” này ghi nhận sự đồng lòng vào cuộc của các cấp, ngành và nhân dân trong toàn tỉnh. Năm 2020 là hành trình “vượt bão” dịch bệnh không chỉ của đội ngũ y bác sĩ, mà còn có sự kề vai chung sức của nhiều lực lượng trong xã hội.

Các nhân viên xét nghiệm của Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên chiết xuất RNA của vi rút Sars-CoV-2 từ các mẫu bệnh phẩm. Ảnh: Huỳnh Kim Ngọc
Các nhân viên xét nghiệm của Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên chiết xuất RNA của vi rút Sars-CoV-2 từ các mẫu bệnh phẩm. Ảnh: Huỳnh Kim Ngọc

(Báo Đắk Lắk bình chọn)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.