Multimedia Đọc Báo in

Bạn đọc viết:

Người dân thôn Ea Rớt mong sớm được ổn định cuộc sống

09:11, 14/12/2011

Thôn Ea Rớt, xã Cư Pui (Krông Bông) hiện có 238 hộ với 1.119 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Mường, Thái, Dao, Nùng... từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào. Ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn Ea Rớt cho biết: "Người dân trong thôn di cư vào đây từ những năm 1995, 1996 nhưng đến năm 2001 thôn Ea Rớt mới được công nhận. Cuộc sống của người dân trong thôn còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%".

Tuy người dân trong thôn đã định cư hơn 15 năm nhưng các gia đình đều chưa được cấp sổ hộ khẩu, chưa được làm chứng minh nhân dân và chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Mã Văn Cao, Thôn phó cho biết: "Bà con trong thôn đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nhiều gia đình khi mua xe máy phải mượn tên người khác để đăng ký xe vì không có đủ những giấy tờ cần thiết theo quy định. Nhiều hộ muốn vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức khác như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống nhưng không có sổ hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên đành chịu". Việc quản lý nhân, hộ khẩu cũng rất khó khăn. Ông Bùi Ngọc Điệp, Công an viên thôn cho biết: "Thôn có địa bàn rộng, địa hình phức tạp. Việc quản lý, điều tra, thống kê, báo cáo nhân hộ khẩu, điều tra độ tuổi gặp rất nhiều khó khăn vì không có sổ hộ khẩu".

Một lớp học ở thôn Ea Rớt
Một lớp học ở thôn Ea Rớt

Được biết, cơ sở hạ tầng trong thôn Ea Rớt hầu như chưa có gì, không đường, không điện, không nước sạch, không nhà sinh hoạt cộng đồng... Điểm trường học tại thôn hiện có 6 phòng học với gần 200 học sinh Mẫu giáo và Tiểu học nhưng phòng học, bàn ghế còn tạm bợ vì chưa được đầu tư xây dựng. Không có sổ hộ khẩu, các chế độ về học tập của học sinh cũng bị thiệt thòi rất nhiều. Bà Nguyễn Thị Hồng, Chi hội trưởng phụ nữ thôn cho biết: "Do gia đình không có sổ hộ khẩu nên học sinh ở đây vẫn chưa được nhận chế độ hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 49. Nhiều cháu có học lực khá, giỏi muốn đăng ký dự thi vào Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện nhưng do không có sổ hộ khẩu nên không đủ điều kiện dự thi". Bên cạnh đó, thôn Ea Rớt có 56 hộ gia đình được xét hỗ trợ xây dựng nhà theo Chương trình 167 nhưng vì bà con chưa có sổ hộ khẩu, chỗ ở chưa ổn định, nhiều gia đình có đất ở nằm trong diện phải di dời để xây dựng hồ Krông Pak thượng nên đến nay tại thôn vẫn chưa xây dựng được ngôi nhà nào. Hầu hết nhà ở của người dân trong thôn vẫn còn là tranh tre nứa lá hết sức tạm bợ.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.