Thông tin phản hồi:
Sẽ chấn chỉnh tình trạng trục vớt gỗ dưới lòng sông
Báo Dak Lak ngày 9-4-2013 đăng bài viết “Đổ xô đi trục vớt gỗ sâu”, phản ánh tình trạng người dân ở các xã Ea Trul, Hòa Lễ, Hòa Phong… (huyện Krông Bông) đổ xô đi trục vớt gỗ dưới lòng sông Krông Ana đoạn chảy qua huyện Krông Bông. Tình trạng này đã gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân sống xung quanh. Tuy việc khai thác trục vớt gỗ sâu đã diễn ra trong nhiều năm nay, nhưng chính quyền ở các địa phương cũng chưa có biện pháp xử lý…
Mới đây, UBND huyện Krông Bông đã có báo cáo giải trình về tình hình người dân trục vớt gỗ dọc bờ sông trên địa bàn huyện. Theo đó, UBND huyện Krông Bông tiếp thu những ý kiến phản ánh, đóng góp của cơ quan báo chí đối với việc khai thác, trục vớt gỗ trên dòng sông Krông Na thuộc địa phận huyện Krông Bông.
Theo giải trình của UBND huyện Krông Bông thì vào thời điểm 2001 - 2004 có một số doanh nghiệp và cá nhân có đơn xin trục vớt gỗ dưới lòng sông và đã được cấp có thẩm quyền cho phép với số lượng tương đối lớn. Từ đó đến nay, số lượng gỗ còn lại dưới lòng sông rất ít. Việc báo chí phản ánh một số hộ dân tranh thủ thời tiết nắng ráo, nước sông cạn kiệt đã tiến hành trục vớt gỗ với hình thức thủ công là đúng sự thật. Để ngăn chặn tình trạng trên, UBND huyện đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng như Hạt Kiểm lâm, UBND các xã tổ chức kiểm tra, ngăn chặn. Tuy nhiên, do nhận thấy việc khai thác, trục vớt là nhỏ lẻ, thủ công, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình nên trong quá trình kiểm tra các cơ quan chức năng chỉ nhắc nhở, tuyên truyền giáo dục và yêu cầu các hộ dân ký cam kết không được trục vớt gỗ khi chưa có sự cho phép của cấp có thẩm quyền.
Về tình hình sạt lở hai bên bờ sông Krông Ana, UBND huyện Krông Bông khẳng định có một phần là do ảnh hưởng của người dân trục vớt gỗ dưới lòng sông. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính, mà chủ yếu là do mưa lũ lớn, đồng thời do một số người dân thiếu ý thức đã chặt hạ hết cây hai bên bờ sông nên khi có lũ lớn đã gây nên tình trạng sạt lở. Một nguyên nhân quan trọng nữa là do tình trạng khai thác cát trước đây diễn ra bừa bãi, không theo quy hoạch, không được cơ quan chức năng cho phép… đã gây sạt lở bờ sông.
“Thời gian qua, công tác kiểm tra, ngăn chặn tình trạng trục vớt gỗ trái phép trên dòng sông Krông Ana vẫn chưa được chính quyền các cấp huyện Krông Bông kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Do đó UBND huyện Krông Bông xin rút kinh nghiệm. Trong thời gian tới huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý các hộ dân vi phạm theo đúng quy định, nhằm góp phần bảo vệ đất, chống sạt lở bờ sông” – ông Nguyễn Lân, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết.
Tổ bạn đọc
Ý kiến bạn đọc