Multimedia Đọc Báo in

Chín Hầm - Từ “địa ngục trần gian” đến khu du lịch đặc sắc

10:03, 30/11/2012

Những năm gần đây, ở Huế có rất nhiều khu du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái được xây dựng như: Khu du lịch “Về Nguồn” ở xã Hương Hồ, Khu du lịch “Làng Mưa” ở Thủy Biều, Khu du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh Thanh Tân ở Phong Điền… Nhưng có lẽ độc đáo và ấn tượng hơn cả đối với du khách là Khu du lịch lịch sử - sinh thái Chín Hầm ở xã Thủy An (TP. Huế).

Khu du lịch Chín Hầm.
Khu du lịch Chín Hầm.

Khu du lịch Chín Hầm được xây dựng trên chính quần thể di tích Chín Hầm - một “địa ngục trần gian” khét tiếng nhất miền Nam của "lãnh chúa miền Trung" Ngô Đình Cẩn thời chính quyền Kỳ - Diệm.

Theo hồ sơ di tích lưu trữ tại Bảo tàng Thừa Thiên - Huế, năm 1941, khu vực Chín Hầm được thực dân Pháp xây dựng trên đồi thông, cách Huế khoảng 6 km về phía Tây Nam, dưới chân núi Thiên Thai (còn gọi là núi Ngũ Tây hay núi Ba Đồn) làm kho chứa vũ khí. Gọi là Chín Hầm, nhưng thực chất chỉ có  tám hầm kho và một lô cốt bốt gác xây cất vào lòng núi, rải rác quanh đồi. Tường kho bằng bê tông cốt thép dày hơn 40 cm, căn hầm lớn nhất có diện tích 85 m2, căn nhỏ nhất 41 m2.

Sau khi lên làm Tổng thống Việt Nam cộng hòa, tháng 4-1956, Ngô Đình Diệm đã đưa em trai là Ngô Đình Cẩn lên làm Cố vấn Trung phần, phụ trách miền Trung và Tây Nguyên. Ở Huế, Ngô Đình Cẩn tự xưng là “Lãnh chúa miền Trung” và thực hiện chính sách cai trị bàn tay sắt đối với các lực lượng đối lập cũng như tôn giáo. Khét tiếng tàn bạo nhất trong bộ máy cai trị của Ngô Đình Cẩn là mạng lưới mật vụ tình báo. Dưới trướng chúng có hàng loạt lò giam giữ tra tấn như: lao xá Ty Công an, trại Tòa khâm, trại Thừa Phủ, nhà tù Long Thọ, trại đồn Mang Cá nhỏ… và đỉnh điểm tội ác là khu biệt giam Chín Hầm. Từ các hầm kho chứa vũ khí của quân đội Pháp, Ngô Đình Cẩn đã cho sửa chữa, gia cố, ngăn ô thành những chuồng cọp để giam giữ những người cộng sản, học sinh, sinh viên, phật tử và những người chống đối khác. Các ô chuồng cọp này như những chiếc quan tài chiều dài 1,8m, rộng 0,8m; mỗi chuồng có một lưới sắt tạo bởi 16 song sắt ngang và hai thanh sắt dọc chặn trên đầu, một tấm ván lót sàn, một chiếc xô tôn nhỏ để vệ sinh cùng dây xích, cùm kẹp. Các khu hầm cũng được phân chia theo đối tượng tù nhân như: các căn hầm số 1, 6, 7, 8 giam giữ những tù nhân cộng sản, Việt cộng nằm vùng; căn số 3 giam cầm những  thương gia giàu có, bị vu oan, bắt giữ tra tấn, buộc gia đình phải bỏ tiền, vàng ra chuộc thân; căn số 4 nhốt những người đối lập, những quan chức sĩ quan của chính quyền đương nhiệm không theo Ngô Đình Cẩn; căn số 5 giam giữ các tăng ni, phật tử, học sinh sinh viên phản kháng chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô; căn số 9 là bốt gác đồng thời cũng là nơi tra tấn, khảo cung những người chúng cho là có tội.

Trong thời gian gần 10 năm, Chín Hầm trở thành nhà biệt giam khét tiếng tàn bạo ở miền Nam, vượt xa những xà lim, chuồng cọp ở Côn Đảo. Những ai đã đưa vào tử ngục Chín Hầm coi như cầm chắc cái chết, rất nhiều tù nhân là những chiến sĩ tình báo trung kiên đã hy sinh trong tử ngục Chín Hầm như: Phan Trọng Tịnh, Nguyễn Minh Đạt, Nguyễn Hữu Đà, Nguyễn Đình Trân, Nguyễn Đình Tỉnh, Nguyễn Văn Nại, Lê Văn Hoàng, Lý Văn Liễn, Nguyễn Văn Hội… Và còn rất nhiều liệt sĩ vô danh đã chiến đấu, hy sinh ở Chín Hầm, trong đó có rất nhiều người hiện nay chưa tìm được hài cốt, nhiều người hy sinh nhưng chưa xác minh được ngày mất, quê quán và thân nhân. Một trong những nhân chứng còn sống sót ở Chín Hầm sau khi gia đình độc tài Ngô Đình Diệm bị lật đổ, là Đại tá tình báo - Cục Tình báo, Bộ Quốc phòng, Nguyễn Minh Vân. Ông bị cực hình ở Chín Hầm từ tháng  11-1961 đến tháng 11-1963. Trong thời gian này, ông đã sáng tác và học thuộc lòng 3.000 câu thơ nói lên những ngày bị cực hình trong khu biệt giam Chín Hầm trong nỗi đau  đầy máu và nước mắt. 3.000 câu thơ viết từ cõi chết của Đại tá Nguyễn Minh Vân sau đó đã được bí mật chuyển ra Hà Nội, in vào cuối năm 1973 với tên tác giả Nguyễn Dân Trung và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, là lời tố cáo sinh động tội ác khủng khiếp của chế độ Ngô Đình Diệm từ địa ngục trần gian Chín Hầm.

Để ghi dấu tội ác dã man của kẻ thù, khắc ghi một thời đau thương, mất mát nhưng đầy anh dũng kiên cường của dân tộc ta, đồng thời tưởng nhớ những chiến sĩ cộng sản, những đồng bào yêu nước đã ngã xuống tại “địa ngục trần gian” Chín Hầm, năm 1993 Khu di tích Chín Hầm đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử đặc biệt cấp quốc gia. Và không để Chín Hầm trở thành một vùng đất “chết”, thời gian qua Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng và Công ty Du lịch Hương Giang (Thừa Thiên – Huế) đã phối hợp xây dựng Khu du lịch Chín Hầm thành một địa chỉ tham quan văn hóa, lịch sử sinh thái đặc sắc. Nhiều hạng mục đã được xây dựng và đưa vào hoạt động như: tượng đài bất khuất, bức phù điêu dưới chân tượng đài, sân hành lễ, nhà tưởng niệm, nhà đón tiếp, trùng tu nguyên vẹn căn hầm số 8, được coi là hầm địa ngục nhất tại khu vực di tích Chín Hầm… Công ty Du lịch Hương Giang đã tiến hành phủ xanh khu vực di tích Chín Hầm bằng các loại cây ngô đồng, thông, sim, sến, hoàng hậu, tùng bút... Những loại cây này được trồng phân bổ hợp lý để tạo nên cảnh quan thiên nhiên hữu tình, hài hòa với cảnh sắc hùng vĩ vùng đồi núi Thiên Thai.

Đến với Chín Hầm ngày nay, du khách không chỉ được tận mắt nhìn thấy những chứng tích man rợ có một không hai trên thế giới để hiểu thêm sự mất mát, hy sinh của bao thế hệ đi trước, mà còn được đắm mình trong không gian xanh thơ mộng hữu tình. Chín Hầm - “địa ngục trần gian” một thuở đã trở thành thắng tích, là khu du lịch độc đáo có một không hai ở cố đô.

Ngô Minh Thuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.