Multimedia Đọc Báo in

Nơi gặp gỡ của những người yêu điệu hát dân ca

19:59, 01/12/2012

Câu lạc bộ Dân ca dân tộc Tày – Nùng xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) được các thành viên người dân tộc Tày, Nùng yêu mến đàn, hát dân ca thành lập và bắt đầu sinh hoạt từ năm 2006. Những ngày mới thành lập Câu lạc bộ có 7 thành viên tham gia, nhạc cụ duy nhất lúc đó là một cây đàn tính do ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ tự chế tạo. Những khó khăn, thiếu thốn về vật chất như: không có kinh phí hoạt động; địa điểm sinh hoạt là tại nhà các thành viên nên không gian nhỏ hẹp, chật chội; nhạc cụ chưa đủ để tập luyện, biểu diễn; hoàn cảnh gia đình của một số thành viên còn nhiều vất vả... vẫn không ngăn được niềm say mê, lòng nhiệt huyết và tình yêu đối với làn điệu dân ca của các thành viên trong Câu lạc bộ. Chị Hoàng Thị Xuyến, một thành viên Câu lạc bộ tâm sự: “Cách đây 3 năm, đứa con thứ hai của tôi còn nhỏ, nhiều hôm đi tập, biểu diễn về chồng cáu gắt, vì con ở nhà khát sữa, bố dỗ dành mãi không được. Thế rồi, dần dần chồng cũng hiểu và ủng hộ để tôi có điều kiện tham gia tập luyện, biểu diễn cùng mọi người trong Câu lạc bộ...”. Có thành viên nhà xa địa điểm sinh hoạt như anh Lô Ngọc Bé đã trải qua biết bao đêm lặn lội gần 10 km đường xấu, để đến tham gia tập luyện... Khó khăn là vậy, nhưng vượt qua tất cả, các thành viên trong Câu lạc bộ luôn đoàn kết, động viên giúp đỡ nhau để xây dựng Câu lạc bộ ngày càng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng và chất lượng, được nhân dân và chính quyền địa phương quan tâm, yêu mến, ủng hộ.

Niềm vui lớn đến với Câu lạc bộ Dân ca dân tộc Tày – Nùng xã Quảng Hiệp là vào tháng 6-2011 khi được Chủ tịch Ủy UBND huyện Cư M’gar ra quyết định cấp phép hoạt động. Trong Quyết định nêu rõ: Câu lạc bộ có tư cách pháp nhân, có tài khoản, được sử dụng con dấu riêng để hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn; văn phòng làm việc và sinh hoạt của Câu lạc bộ được đặt tại Nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Hiệp Đạt, xã Quảng Hiệp... Từ đó người dân và chính quyền các cấp càng quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn đối với Câu lạc bộ.

Ông Lã Văn Quằn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Hiện nay Câu lạc bộ có 21 thành viên, trong đó nam: 5 người, nữ: 16 người. Nhạc cụ có 7 đàn tính, 2 đàn bầu, 1 đàn nhị, 1 sáo trúc và một số dụng cụ khác. Trang phục quần áo dân tộc Tày, Nùng cơ bản đã được trang bị đầy đủ cho từng người. Điều đặc biệt, để tiết kiệm kinh phí, có nhiều nhạc cụ do chính các nghệ nhân lớn tuổi của Câu lạc bộ tự chế tạo. Đó là những chiếc đàn tính có âm thanh đặc sắc được nghệ nhân Nguyễn Trung Kiên, Đàm Văn Đường làm từ quả bầu tròn hoặc bầu hồ lô “đạt chuẩn” do các nghệ nhân tự trồng và chăm sóc đặc biệt trong vườn. Hay như những chiếc đàn bầu, đàn nhị khéo léo và chất lượng do nghệ nhân Nông Ngọc Đông, Lô Ngọc Bé, Lã Văn Quằn chế tác... Những vật dụng, phục trang khác chủ yếu do các thành viên đóng góp và vận động kinh phí để mua sắm.

Những tiết mục tự biên, tự diễn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với lời ca, điệu múa mộc mạc, thiết tha, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước của Câu lạc bộ Dân ca dân tộc Tày – Nùng xã Quảng Hiệp trong những năm qua không chỉ biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương trong những ngày lễ, tết mà còn biểu diễn giao lưu với các xã lân cận. Trong tháng 4-2012, tại Hội trại thôn buôn văn hóa do UBND huyện Cư M’gar tổ chức, với tiết mục “Ơn Đảng, ơn Bác Hồ” được biểu diễn theo làn điệu hát then, Câu lạc bộ Dân ca dân tộc Tày – Nùng xã Quảng Hiệp đã giành được giải A. Những phần thưởng ấy cùng niềm vui được đông đảo người xem nhiệt tình hưởng ứng, cổ vũ là động lực để các thành viên trong Câu lạc bộ tiếp tục tập luyện hăng say hơn, thêm yêu làn điệu dân ca dân tộc mình hơn...

Nguyễn Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.