Lộng Thượng - làng nghề giữ hồn truyền thống
Các sản phẩm của làng nghề. Ảnh: T.L |
Cách thủ đô Hà Nội khoảng hơn 30 km, làng Rồng xưa chuyên sản xuất dụng cụ gia đình bằng đồng. Ban đầu, làng chỉ làm nồi sanh thô sơ, sau mới có ấm, mâm, chậu thau… về sau này, nhờ tâm huyết của các bậc tiền bối dầy kinh nghiệm truyền từ đời này qua đời khác, các sản phẩm của làng ngày càng phong phú đa dạng, trong đó phải kể đến các đồ thờ cúng.
Nhắc đến nghề đúc đồng, người ta thường nhắc đến làng Ngũ Xã (Hà Nội), Ý Yên (Nam Định) và Đại Bái (Bắc Ninh), ít ai biết rằng Hưng Yên là nơi có nhiều làng chuyên nghề đúc đồng từ xưa. Một số phường thợ giỏi ở đây đã lên kinh thành Thăng Long cùng một số phường nghề khác lập nên làng nghề Ngũ Xã danh tiếng. Trước đây xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên có 4 làng làm nghề đúc đồng gồm: Văn Ổ, Xuân Phao, Lộng Thượng, Bùng Đông, trong đó thợ làng Lộng Thượng có tay nghề cao nhất và vẫn tồn tại đến ngày nay. Sản phẩm của làng nổi tiếng nhất là lư hương, đỉnh, hạc, nến, chuông, tượng... được tạo nên bởi kỹ thuật đúc tinh xảo đúc rút qua nhiều thế kỷ. Theo sử sách, tổ nghề đúc đồng là Khổng Minh Không - Quốc sư triều Lý thế kỷ XII đã dạy nghề đúc đồng cho dân làng. Mấy trăm năm trôi qua, giờ đây pho tượng tổ sư được chính những người con làng nghề đúc lên với tất cả lòng thành kính, biết ơn công lao khai truyền nghiệp quý. Nhờ có nghề đúc đồng, dân làng Rồng và các vùng xung quanh nhiều đời no ấm.
Lộng Thượng hiện nay chuyên sản xuất các đồ thờ cúng như: đỉnh, hạc, chân nến, đèn, mâm bồng, bát hương, những thứ mà trên bàn thờ của mọi gia đình đều không thể thiếu. Trong đó, đáng kể nhất là đỉnh đồng - loại sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, tay nghề vững vàng, bởi nó kết tinh cả giá trị hội họa và điêu khắc. Đây có thể coi là hàng khó làm nhất trong các mặt hàng đúc làng Rồng.
So với các ngành nghề thủ công khác, đúc đồng là một trong những nghề nặng nhọc và vất vả. Thợ đúc đồng không chỉ đòi hỏi phải có sức khỏe mà còn cần phải khéo léo, tinh tế. Ở mỗi công đoạn, người thợ đúc rút ra kinh nghiệm, bí quyết riêng, ngay từ khâu đầu tiên là làm đất, làm khuôn. Đất làm khuôn không chỉ là loại đất trộn trấu, mà còn cả loại đất có màu đen để trát các khe, đường viền. Loại đất đặc biệt này gồm: bùn, sét, trấu đốt giã nhỏ, trộn với giấy bản, giấy dó... mới tạo thành mồi thật mịn để chống nứt và làm cho mặt sản phẩm nhẵn bóng hơn. Công đoạn làm khuôn tưởng chừng đơn giản, nhưng để làm được, người thợ có khi phải học đến vài năm, còn thợ vụng, có khi làm lâu năm vẫn hỏng. Đặc biệt như thao tác “lấy thịt”, thịt là độ dày mỏng của lớp đồng khi được rót vào giữa 2 lớp thao trong, bìa ngoài. Người thợ phải chỉnh sửa khuôn sao cho bên trong đồng đều, để khi rót đồng không bị chỗ dày, chỗ mỏng.
Việc gọt khuôn bên trong chỉ có thể áng chừng và lấy bằng cảm tính, kinh nghiệm. Cả thôn Lộng Thượng nay có gần 100 hộ theo đuổi nghề đúc đồng. Nhìn chung vẫn là mô hình sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, manh mún. Sản phẩm làm ra tuy có được cải thiện về mẫu mã, hình thức và chất lượng, được các thương lái từ các tỉnh về cất hàng và bày bán ngay tại các cửa hiệu trong phố Lộng Thượng, nhưng sản phẩm của làng nghề vẫn không được nhiều người biết đến như xưa.
Với nỗ lực tự thân của những người thợ làng nghề, từ những kinh nghiệm được đúc rút từ nhiều đời, những đổi mới về tư duy và công nghệ, bên cạnh đó là chính sách miễn thuế khuyến khích của Nhà nước và hỗ trợ của địa phương, hy vọng trong tương lai không xa, sản phẩm đồ đồng của Lộng Thượng sẽ trở lại thương hiệu nổi tiếng một thời nó đã có.
(Theo QuehuongOnline)
Ý kiến bạn đọc