Chuyện làng văn nghệ:
Vợ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng "gác chữ" cho chồng
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là anh Nguyễn Huy Thắng đã dành nhiều tình cảm cho cha mình bằng việc sưu tầm các tác phẩm, bài viết về Nguyễn Huy Tưởng rồi tập hợp in các cuốn: Những chân dung song hành, Cha tôi là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng (3 tập)… do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Trong một bài hồi ký viết về mẹ mình, anh Nguyễn Huy Thắng có kể lại thời khó khăn của gia đình trong đó có chuyện bà Tưởng (vợ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) làm nhiệm vụ “gác chữ” cho chồng.
Những năm 1958-1960, bà Tưởng công tác ở Nhà xuất bản Văn học. Nhiệm vụ của bà ngoài công việc thủ quỹ là đọc những bản in thử trước khi sách phát hành. Đọc hết trang, bà đếm có bao nhiêu chữ rồi ghi vào lề giấy, dựa vào đó để tính toán, làm cơ sở đề nghị giám đốc và tài vụ trả nhuận bút cho tác giả. Khi một số tác phẩm của chồng bà (nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) tái bản, bà Tưởng đã đọc đi đọc lại rất kỹ trước khi in, đặc biệt là 2 vở kịch: Bác Sơn và Vũ Như Tô. Ngoài nhiệm vụ đếm chữ, bà Tưởng còn rà soát xem biên tập viên có cắt xén dòng nào, đoạn nào trong các tác phẩm của chồng mình không.
Năm 1972, tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô được tái bản, nhận được sách bản quyền, bà rất vui vì thấy sách in đẹp, dày dặn. Nhưng đọc xong bà không lấy làm vui lắm, liền gọi anh con trai Nguyễn Huy Thắng đến và chỉ vào trang đã được bà đánh dấu trong cuốn sách, nói: “Khi in lần đầu, đoạn cha con tả đám đông tản cư ở chương 2 có cảnh một cụ già ốm yếu cõng một đứa cháu quặt quẹo, chít khăn đại tang lê bước về phía ga. Còn chương 18, đoạn tả suy nghĩ của nhân vật chính Trần Văn trong lúc gác đêm một ngày trước hôm toàn quốc kháng chiến bùng nổ, có một câu mà mẹ rất thuộc: “Chiến tranh đang đến, vô lý như một định mệnh”. Thế mà nay đọc cả hai đoạn này đều không thấy…”.
Rồi bà Tưởng liền đến nhà xuất bản thắc mắc. Nhà xuất bản giải thích rằng lúc bấy giờ đang chiến tranh (chống Mỹ) nên hai chi tiết đó không có lợi cho bạn đọc, nên biên tập đã cắt bỏ.
Việc đã rồi, nhưng bà Tưởng yêu cầu lần sau những việc như thế, phía nhà xuất bản phải thông báo để bà biết. Và không muốn để lần sau xảy ra điều tương tự, tối hôm ấy, cả nhà đang ngồi ăn cơm, có đầy đủ các con, bà Tưởng dặn: “Bao giờ in lại, phải bảo người ta lấy lại mấy chỗ ấy mới được…”.
Thực hiện nguyện vọng của mẹ, sau năm 1975, chiến tranh chống Mỹ kết thúc, đất nước thống nhất, khi làm Tuyển tập Nguyễn Huy Tưởng (1978), anh Nguyễn Huy Thắng làm chủ biên có in đầy đủ và đưa nguyên văn 2 chi tiết mà mẹ anh yêu cầu.
Lê Hồng Bảo Uyên (st)
Ý kiến bạn đọc