Nơi luyện nghề của sinh viên học nhạc
Làm thêm là điều không còn xa lạ với sinh viên thời nay. Ở Dak Lak, trong khi nhiều sinh viên trường khác chỉ làm những công việc như phát tờ rơi, nhân viên phục vụ… thì sinh viên học nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Dak Lak tận dụng được chính ngành học của mình để có thêm thu nhập và hơn hết là rèn luyện nghề cho giọng hát, tiếng đàn thêm điêu luyện…
Không chỉ là thu nhập
Những năm qua, nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người dân Dak Lak ngày càng tăng cao. Minh chứng là sự phát triển mạnh mẽ các tụ điểm ca nhạc, đặc biệt là sự ra đời ngày càng nhiều quán cà phê mang phong cách Acoustic; các buổi hội nghị, liên hoan, tiệc cưới, các tour du lịch thường xuyên tổ chức các buổi diễn văn nghệ. Đó là môi trường thuận lợi để các sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật có nhiều cơ hội “làm thêm”. Ngay khi còn là cậu học trò lớp 10, Nguyễn Tiến Tài, sinh viên năm 2 Khoa Âm nhạc – Múa của Trường đã là một nhạc công đánh đàn organ cho các tụ điểm ca nhạc. Là một tay organ cừ khôi nên Tài khá “đắt” sô, nhất là đến mùa cưới hay khi các cơ quan, đoàn thể tổ chức liên hoan, hội nghị tổng kết cuối năm, Tài phải tranh thủ chạy sô tất bật. Tài chia sẻ: “Em học đàn organ từ năm 8 tuổi và đây là niềm đam mê lớn nhất cuộc đời em. Làm thêm đã cho em nhiều kinh nghiệm mà trên sách vở khó có được. Nhiều lúc đi làm trời mưa to, người ướt lạnh run, nhưng khi lên sân khấu đánh nhạc thì chẳng thấy mệt hay lạnh nữa”. Nếu là khách quen tại quán cà phê mang phong cách Acoustic Sun Rise (đường Lê Thánh Tông, TP. Buôn Ma Thuột) thì sẽ nhận ra một gương mặt quen thuộc chuyên hát chính và dẫn chương trình mỗi tối là Điểu Náp, sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Dak Lak. Với giọng hát khỏe khoắn, cao vút cùng phong cách trình diễn tự nhiên mang đậm chất Tây Nguyên, Điểu Náp luôn được mời diễn tại các tour du lịch cho khách trong và ngoài nước. Náp hồ hởi nói: “Quán cà phê, tiệc cưới, hội nghị chỗ nào em cũng hát rất nhiều, nhưng em vẫn thích được hát cho khách du lịch nhất, vì thông qua giọng hát của mình em có thể phần nào quảng bá văn hóa của quê hương Tây Nguyên đến với mọi miền”.
Một buổi biểu diễn của các sinh viên Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Dak Lak ở cà phê Sun Rise (đường Lê Thánh Tông). |
Lắng nghe những tâm sự của các bạn sinh viên học nhạc mới hiểu hết tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật của họ. Làm thêm không đơn thuần chỉ để kiếm tiền, mà còn là nơi họ tìm thấy niềm vui mỗi khi giai điệu, tiết tấu vang lên, xua đi những mệt mỏi, khó khăn trong cuộc sống. Qua những trải nghiệm từ việc làm thêm ấy, nhiều sinh viên âm nhạc được rèn luyện thêm nhiều kỹ năng để “chắc” tay nghề, ngày càng bản lĩnh và trưởng thành hơn trên sân khấu.
Khi kết thúc biểu diễn, niềm vui của các cô cậu chỉ đơn giản là một tràng pháo tay hay những túi thức ăn gói tấm lòng yêu mến của chủ nhà. Được biết, thu nhập của sinh viên học nhạc trong công việc làm thêm khá hơn nhiều so với sinh viên khác, chỉ trong vài giờ họ có thể kiếm được 300 nghìn đồng/buổi tiệc với các nhạc công như organ, ghi ta, trống và 100 - 500 nghìn đồng/bài hát với ca sĩ tùy vào tiệc cưới hay hội nghị.
Nơi thực hành lý tưởng
Ngoài những giờ học trên giảng đường, chính việc biểu diễn tại các tụ điểm âm nhạc giúp sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Dak Lak thể hiện được khả năng nghệ thuật, hoàn thiện các kỹ năng âm nhạc và nhất là nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật của mình. Đó là những trải nghiệm cần thiết để có thể khẳng định được tên tuổi và tìm thấy thành công sau này. Những cái tên học viên của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Dak Lak đoạt đạt những giải thưởng cao trong các cuộc thi cũng từng có một thời gian dài làm tại các tụ điểm âm nhạc như H’Zina Bya - giải Nhất Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình năm 2010, Hoàng Uyên - giải Ba Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình năm 2008, Lê Văn Hồng - giải Nhất Tiếng hát Truyền hình tỉnh Dak Lak, Y Sol Ayũu - giải Nhất Hội diễn các trường Văn hóa – Nghệ thuật toàn quốc năm 2010, Ý Nhi - giải Nhì Tài năng trẻ Học sinh – Sinh viên toàn quốc và lọt sâu vào chương trình Giọng hát Việt 2013….
Thầy Chung Quốc Toản, Phó trưởng Khoa Âm nhạc – Múa Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Dak Lak cho rằng: “Việc sinh viên làm thêm bằng cách biểu diễn tại các tụ điểm âm nhạc, sân khấu của tỉnh, hay các đoàn ca nhạc là rất đáng hoan nghênh. Đó là những nơi để sinh viên thực hành âm nhạc, cụ thể hóa các bài học căn bản từ nhà trường, là bước đệm cho khả năng nghệ thuật của các em phát triển trong tương lai. Vì thế sự kết hợp học ở trong trường và thực hành bên ngoài như nhiều sinh viên đang làm là hướng đi cần khuyến khích”.
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc