CLB Nhiếp ảnh Ban Mê: Nơi hội tụ niềm đam mê
Từ khi thành lập (cuối năm 2013) đến nay, hằng năm, Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh Ban Mê với hơn 30 tay máy chuyên và không chuyên lại cùng nhau mở Triển lãm “Sắc xuân Cao Nguyên” để công chúng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột có dịp thưởng lãm, chia sẻ cùng họ qua mỗi khuôn hình đầy cảm xúc.
Anh Xuân Chiến - Chủ nhiệm CLB thổ lộ rằng: Niềm say mê nhiếp ảnh nói chung là “chất keo” kết dính các thành viên lại với nhau. Đều đặn mỗi năm - từ hai đến ba lần, họ tụ họp lại với nhau “cơm đùm, gạo bới” đi thực tế sáng tác. Những nơi họ đến là buôn làng của người đồng bào dân tộc thiểu số, danh lam thắng cảnh, những công trình xây dựng trọng điểm trên địa bàn Đắk Lắk… Ở đó, những tay máy chuyên và không chuyên này cố gắng tìm tòi, phát hiện đề tài để ghi lại những khoảnh khắc đẹp (có khi rất thời sự nữa) diễn ra từ đời sống. Mỗi người theo đuổi mỗi ý tưởng khác nhau, chứ không nhất thiết là ảnh nghệ thuật. Vì vậy, qua mỗi kỳ triển lãm, “sân chơi” này đã thể hiện rõ tính chất đa dạng, khác biệt của nó so với những cuộc triển lãm mỹ thuật khác. Đó là trong 3 lần triển lãm “Sắc xuân Cao Nguyên” vừa qua, bên cạnh không gian trưng bày, giới thiệu mảng ảnh nghệ thuật còn có khoảng riêng dành cho các vấn đề thời sự diễn ra trong năm, nhờ vậy rất thu hút người xem.
Tác phẩm "Bứt phá" của Minh Phương |
Phải nói rằng, mảng thời sự do các tay máy trẻ của CLB trên mang lại trong 3 kỳ triển lãm vừa qua cho thấy những tay máy chuyên và không chuyên này đã có sự đổi mới, bứt phá rõ rệt trong tư duy nghệ thuật - đó là như họ quan niệm “mỗi bức ảnh là mỗi khoảnh khắc được chắt ra từ đời sống thực tiễn”. Còn nhớ, tại triển lãm “Sắc xuân Cao Nguyên” - 2014 và 2015, hàng chục bức ảnh của các tay máy trẻ như Hữu Hùng, Minh Phương, Trần Vũ… ghi lại cảnh rừng bị tàn phá, lũ lụt, hạn hán và vấn nạn “chảy máu” cồng chiêng trong buôn làng người dân tộc thiểu số đã khiến người xem ấn tượng, khó quên. Nói như các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã thành danh như Bảo Hưng, hay Đào Thọ, Phạm Huỳnh rằng - gọi là ảnh thời sự, nhưng các yếu tố cơ bản và bắt buộc đối với bộ môn nghệ thuật này (như bố cục, ánh sáng, đường nét, độ tương phản) và đặc biệt là “ý tứ” được tác giả tư duy, nắm bắt và thể hiện trong tác phẩm hết sức chỉn chu, công phu… nên đã đạt đến tiêu chí nghệ thuật nhất định. Đội ngũ cầm máy trong CLB trên là lớp kế cận, bổ sung ngày càng nhiều và xứng đáng vào lĩnh vực nghệ thuật nhiếp ảnh Đắk Lắk hiện tại cũng như sau này.
Anh Hữu Hùng - Phó chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Ban Mê đánh giá: Từ “sân chơi” cùng niềm đam mê ấy, đến nay đã có thành viên gặt hái thành công tại các cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Ví như năm 2015, có 5 tác phẩm của các thành viên CLB đã được chọn treo tại Triển lãm Nhiếp ảnh trẻ toàn quốc và tác giả Minh Phương đã đoạt giải Khuyến khích. Ngoài ra có hàng chục tác phẩm ảnh của Xuân Chiến, Nam Phương, Hữu Hùng, Trần Bá Hòa… được chọn treo tại các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế theo chủ đề (du lịch, văn hóa, môi trường…) do các Đại sứ quán Thụy Điển, Phần Lan, Nhật, Pháp, Mỹ phối hợp với Bộ VH-TT-DL phát động và tuyển chọn. Theo anh Hữu Hùng, điều đặc biệt nữa của CLB nhiếp ảnh này là thành viên tham gia rất đa dạng, mỗi người mỗi nghề khác nhau - từ cán bộ, công chức Nhà nước, bộ đội, học sinh - sinh viên, kỹ sư, nhà báo… cho đến những người nhiếp ảnh dạo kiếm sống, nên đã tạo được dấu ấn riêng biệt trong sáng tạo nghệ thuật, được đông đảo thành phần trong xã hội chia sẻ, đón nhận và tiếp sức.
"Đôi mắt" - Xuân Chiến, tác phẩm đoạt Huy chương Bạc tại Triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2014. |
Ông Bùi Văn Khối - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Đắk Lắk cho rằng: Là một tổ chức thành viên của Trung tâm, CLB Nhiếp ảnh Ban Mê ngày càng được củng cố, phát triển và khẳng định vị thế của mình trong đời sống sinh hoạt văn hóa của thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và cả tỉnh nói chung. Đây là “kênh” văn hóa - thông tin hữu hiệu để cùng với thiết chế văn hóa đã và đang được bổ sung, hoàn thiện trên địa bàn tỉnh tham gia tích cực, có hiệu quả vào công cuộc xây dựng đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương ngày càng ổn định, vững chắc hơn.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc