Multimedia Đọc Báo in

Mưu sinh bằng nghề làm chổi đót

16:55, 30/11/2014

Bên cạnh thế mạnh là cây cà phê và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ dân ở thôn 3 (xã Hòa Tiến, huyện Krông Pak) còn mưu sinh bằng nghề làm chổi đót. Làm chổi không chỉ giúp họ cải thiện cuộc sống mà còn góp phần duy trì một nghề truyền thống.

Đến thăm “làng chổi” thôn 3 có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người cần mẫn, thoăn thoắt tuốt từng cọng đót để bện chổi hoặc đẽo cán chổi. Bà Phạm Thị Thơm, một người làm chổi có tiếng ở thôn 3 cho hay: “Nghề này tuy không vất vả lắm nhưng đòi hỏi sự cần mẫn, chăm chỉ, khéo léo. Người già, trẻ em, đàn ông hay đàn bà ai cũng có thể làm được miễn là chịu khó”. Cũng theo bà Thơm thì để làm ra một cây chổi phải trải qua nhiều công đoạn, đầu tiên là tước từng cọng đót bó thành lọn nhỏ, bện lại bằng dây kẽm, rồi dùng dây nhựa quấn lên tới cán, sau đó khâu lưỡi chổi chặt lại. Khi đã làm xong phần thô, người thợ sẽ tiến hành quấn đuôi cán chổi và cắt tỉa lưỡi chổi để có một sản phẩm hoàn chỉnh. 1 ký đót có giá trung bình 21.000 đồng, làm được 2 đến 3 cây chổi tùy loại dày, mỏng; giá bán từ 15.000 đồng đến 22.000 đồng/cây. Mỗi tháng, nhà bà Thơm sản xuất và tiêu thụ được 350 đến 400 cây chổi, trừ chi phí cũng thu lợi được 4-5 triệu đồng. Chổi ở đây không chỉ tiêu thụ trong huyện mà còn cung cấp cho các huyện lân cận và cả địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Toàn thôn 3 có khoảng 25 hộ làm chổi chuyên nghiệp. Nghề làm chổi đót không chỉ giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống góp phần đáng kể giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn từ 64 hộ cuối năm 2013 xuống còn 47 hộ cuối năm 2014.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại quy trình làm ra một cây chổi:

1
Ngay từ đầu năm, người dân thôn 3 đã đầu tư vốn mua đót dự trữ để tránh tình trạng giá nguyên liệu tăng cao và thiếu hụt nguồn cung

 

2
Làm được một cây chổi, bà Phạm Thị Thơm phải tỉ mỉ, chịu khó tước từng cọng đót

 

3
Sau khi bện các lọn bằng dây kẽm cho thật chặt, bà Thơm dùng dây nhựa quấn lại...

 

4
rồi tiếp tục quấn chặt lên tới cán

 

5
Công đoạn khâu lưỡi chổi...

 

6
và buộc cán chổi đòi hỏi sự khéo léo, dẻo dai thì mới tạo ra một cây chổi bền đẹp

 

7
Chặt bớt những phần đót thừa để tạo ra một cây chổi hoàn chỉnh

 

8
Niềm vui của người làm chổi không chỉ bởi có thêm thu nhập mà còn cung cấp cho thị trường những sản phẩm có ích

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.