Nên ấn định mức thuế để chống thất thu
Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, rất nhiều DN khai thác, kinh doanh cát xây dựng đã trốn thuế bằng cách gian lận trong kê khai sản lượng, doanh thu.
Chỉ nhìn vào quy mô hoạt động của một số DN khai thác, kinh doanh cát trên địa bàn huyện Krông Ana cũng cho thấy rất rõ thực trạng này. Đơn cử như trường hợp của DN H. có 6 tàu khai thác cát tải trọng 20m3/tàu và gần chục đầu xe tải trọng lớn kinh doanh cát, nhưng kết quả kê khai kinh doanh hàng năm chỉ hơn 10.000m3. Số liệu tổng hợp từ cơ quan chức năng về hoạt động kinh doanh của DN này trong 3 năm gần đây cho thấy, chỉ có năm 2012, sản lượng kê khai đạt mức cao nhất nhưng cũng chỉ hơn 16.600m3. Thử làm một phép tính đơn giản, lấy 16.600m3 trên chia đều cho 6 tàu thì mỗi tàu khai thác khoảng 2.760m3/năm. Với tải trọng 20m3, có nghĩa là các tàu này hoạt động gần 140 chuyến/năm. Tương tự, đối với các đầu xe vận tải, lấy tổng số cát mà DN kê khai là 16.600m3 chia cho 9 đầu xe thì mỗi năm một xe vận chuyển tổng cộng hơn 1.840m3 cát. Tạm tính tải trọng trung bình của các xe là 15m3/xe, tính ra mỗi xe chỉ hoạt động được gần 123 chuyến/năm. Đây là những con số bất hợp lý, bởi trong thực tế, tàu hút cát hoạt động trung bình 2 ca/ngày; xe tải vận chuyển cát đi tiêu thụ cũng 1-2 chuyến/ngày đêm. Ở một diễn biến khác, qua thống kê, hiện trên địa bàn huyện Krông Ana có hơn 100 đầu xe tải, bình quân mỗi ngày vận chuyển từ 800-1000m3 cát đi tiêu thụ. Như vậy, mỗi năm có ít nhất cũng trên 300.000m3 cát được tiêu thụ chứ không phải chỉ vài chục đến hơn trăm ngàn m3 như kê khai của các DN khai thác, kinh doanh cát trên địa bàn huyện Krông Ana.
Hoạt động khai thác cát tại Bến cát Quỳnh Ngọc (xã Ea Na) luôn sôi động. |
Có một điều đáng quan tâm là chuyện khai man, giấu doanh thu nhằm trốn thuế không chỉ xảy ra trên địa bàn huyện Krông Ana mà còn ở nhiều địa phương có hoạt động khai thác cát nói riêng, khoáng sản nói chung, gây thất thu rất lớn cho ngân sách. Do đặc trưng khách hàng chủ yếu là cá nhân và các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng, không hoặc ít cần hóa đơn, chứng từ mua hàng nên các DN hoạt động trong lĩnh vực này xuất bán hàng hóa thường không xuất hóa đơn, thậm chí không cập nhật sổ sách bán hàng theo quy định. Để ngăn chặn thực trạng này, nhiều DN đề nghị cơ quan thuế cần tính toán đến việc ấn định sản lượng khai thác cũng như tiêu thụ của các DN khai thác, kinh doanh cát để xác định số thuế tối thiểu phải nộp. Nếu trong thực tế, hóa đơn bán hàng của kỳ khai thuế cao hơn sản lượng ấn định tối thiểu thì thu thuế theo thực tế hóa đơn bán hàng. Nếu sản lượng bán ra thấp hơn mức ấn định tối thiểu thì sẽ tiến hành thu thuế theo mức ấn định tối thiểu. Trong trường hợp các DN này không hợp tác, cần thiết có thể tiến hành việc giám sát tại trụ sở người nộp thuế.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc