Nghĩa tình ở buôn Drang Phốk
Hỗ trợ phát triển sản xuất, hướng dẫn cách thức làm ăn, vận động bà con bỏ dần những tập tục lạc hậu, xây dựng mối quan hệ đoàn kết cùng chung sức bảo vệ vùng biên… là những hoạt động đầy nghĩa tình của các đơn vị, đoàn thể tại buôn Drang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Nhờ vậy, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đang đổi thay từng ngày.
Canh tác lúa từ 1 vụ lên 2 vụ giúp bà con buôn Drang Phốk cải thiện cuộc sống. |
Cách trung tâm xã Krông Na 18 km, buôn Drang Phốk nằm khá biệt lập trong Vườn Quốc gia Yok Đôn. Toàn buôn có hơn 100 hộ với 431 khẩu, 90% là người dân tộc Êđê, M’nông, J’Rai, Lào. Đồng bào trong buôn chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước nhưng vì trình độ canh tác thấp, phụ thuộc vào thời tiết lại chưa biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng thấp, đời sống gặp không ít khó khăn. Vì vậy cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrôpôk 743 - đơn vị kết nghĩa với buôn cùng các ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức giúp bà con bằng những việc làm thiết thực. Đặc biệt là chương trình hỗ trợ bò cho hộ nghèo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (giúp 10 hộ nghèo trong buôn mỗi hộ 1 con bò giống) từ năm 2007 đã tạo “bước ngoặt” trong phát triển kinh tế của người dân nơi đây.
Trang trại chăn nuôi bò của gia đình anh Y Nô Huyn. |
Cũng như nhiều hộ nghèo khác trong buôn, trước đây mọi chi tiêu, sinh hoạt của gia đình anh Y Nô Huyn (dân tộc Êđê) đều phụ thuộc cả vào 2 sào đất trồng lúa và 1 ha đất trồng hoa màu. Những năm thời tiết hạn hán, lũ lụt nhiều, gia đình anh lại rơi vào cảnh thiếu đói giáp hạt. Năm 2007, anh được hỗ trợ 1 con bò giống và hướng dẫn cách chăn nuôi, làm chuồng đúng kỹ thuật. Trân trọng trước tình cảm đó, vợ chồng anh tập trung chăm sóc bò mẹ nên chỉ sau một thời gian ngắn đã phát triển đàn lên 3 con. Nhận thấy lợi ích của việc phát triển chăn nuôi bò, hơn nữa lại đã có thêm kinh nghiệm, kiến thức, anh mạnh dạn vay mượn mua tiếp 5 con bò giống, đến nay đã nâng tổng đàn lên 21 con. Đưa cán bộ các cấp cùng Ban tự quản buôn thăm khu vực chăn nuôi, anh Y Nô vui mừng cho biết: “Đàn bò là tài sản lớn nhất của gia đình, hai vợ chồng mình dự định nuôi bỗ béo một thời gian nữa rồi bán bớt để sửa chữa lại căn nhà gỗ cũ và chăm lo thêm cho các con học tập. Nguồn phân từ chăn nuôi cũng giúp gia đình mình giảm bớt chi phí chăm sóc lúa, hoa màu mà năng suất lại cao hơn trước. Nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt của HND và chính quyền địa phương thì đến giờ chắc gia đình mình vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo đói”. Tương tự, từ 1 con bò hỗ trợ ban đầu, sau 4 năm, gia đình chị Buôr Kẹo Lào (dân tộc Lào) phát triển được 3 con và đầu tư mua thêm 6 con bò mẹ nên đến nay đã có trong tay đàn bò 20 con. “Những con bò đực đã được bỗ béo, vợ chồng mình quyết định bán bớt để có vốn mua máy móc phục vụ canh tác 5 sào lúa và 3 ha hoa màu. Nhờ vậy mà gia đình đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của buôn, cuộc sống ngày càng ổn định và lo cho 3 con ăn học”, chị Lào chia sẻ.
Có thể nói, từ chỗ độc canh cây lúa, bắp, đến nay hầu hết các hộ trong buôn đều biết phát huy thế mạnh về đồng cỏ, nhân lực tại chỗ để chuyển hướng sang chăn nuôi bò, nâng tổng đàn bò lên 700 con. Chăn nuôi phát triển, bà con có thêm điều kiện mua máy móc đầu tư cho trồng trọt, nâng cao năng suất, cuộc sống ổn định hơn trước, số hộ nghèo giảm còn 46%. Riêng 10 hộ được hỗ trợ bò ban đầu nay đã có 6 hộ vươn lên thoát nghèo.
Song song với việc giúp bà con phát triển kinh tế, các ngành, đoàn thể và Đồn Biên phòng Sêrêpôk 743 đã cử cán bộ nắm sát địa bàn, tuyên truyền vận động bà con thay đổi dần cách thức sinh hoạt và loại bỏ những tập tục lạc hậu. Bà con đã chú trọng giữ gìn vệ sinh nơi ở, xây dựng chuồng trại chăn nuôi xa nhà, biết cách phòng dịch bệnh, áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, khi đau ốm đã đến Trạm Y tế quân - dân y kết hợp để khám bệnh, lấy thuốc thay vì tìm thầy mo cúng bái như trước kia. Chính những tình cảm đó đã gắn kết bà con trong buôn chung sức cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpôk 743 và các ngành chức năng của địa phương tham gia tuần tra, canh gác, bảo vệ vững chắc đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia. Anh Nguyễn Tiến Thanh, Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Sêrêpôk 743 cho biết, từ những việc làm thiết thực của các đơn vị, đoàn thể đã tạo dựng được niềm tin đối với bà con nơi đây. Vì vậy, mặc dù nằm sát biên giới Campuchia nhưng trong buôn chưa có trường hợp nào vượt biên trái phép, bà con chăm lo phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, trở thành “tai mắt” của chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng, cùng chung sức giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi vùng biên.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc